Mô tả
Từ khi cổ thuật xuất hiện tới nay, bộ tộc vẫn âm thầm cất giấu mười hai thẻ đồng con giáp. Có một truyền thuyết vẫn được lưu truyền rằng khi nhiều cô gái trong tộc được lựa chọn làm cổ nữ, họ nhất định phải xuống núi tìm người ứng với cổ, nếu không cổ thuật sẽ cắn ngược lại. Khi đó cả tộc gặp họa diệt vong.
Sự việc liên quan đến an nguy của tất cả mọi người nên quá nửa con gái trong tộc đã rời khỏi núi, đi khắp nơi tìm người ứng với mệnh rồng. Trước khi đi, lão cổ nữ hạ cho mỗi người một loại cổ tầm trùng để khi họ tìm thấy đúng người cổ sẽ báo.
Xuất hiện rồi.
Xuất hiện cổ tầm trùng.
Xuất hiện đứa trẻ mang mệnh rồng.
Xuất hiện thẻ rồng.
Nhưng cái giá phải trả là quá lớn…
Mọi chuyện chỉ mới bắt đầu.
Tóm Tắt
Bóng Tối Dưới Ánh Đèn – Tập 1 của Dương Hành Triệt (dịch bởi Tố Hinh) mở ra một câu chuyện bí ẩn và đầy kịch tính về một bộ tộc bí mật sống biệt lập, nơi cổ thuật – một loại ma thuật cổ xưa – giữ vai trò trọng yếu trong sự sống còn của họ. Bộ tộc này bảo vệ mười hai thẻ đồng con giáp, mỗi thẻ đại diện cho một con giáp trong văn hóa Á Đông.
Truyền thuyết nói rằng nếu các cô gái được chọn làm “cổ nữ” không tìm được người có mệnh ứng với con giáp của mình, cổ thuật sẽ phản lại, gây ra tai họa cho cả tộc. Vì vậy, rất nhiều cô gái đã rời khỏi núi để tìm người mang mệnh rồng, người duy nhất có thể cứu bộ tộc khỏi sự diệt vong.
Sau nhiều năm chờ đợi, dấu hiệu của cổ tầm trùng xuất hiện, báo hiệu sự hiện diện của đứa trẻ mang mệnh rồng, cùng với thẻ rồng. Tuy nhiên, việc tìm thấy đứa trẻ này đi kèm với cái giá rất đắt, đặt nền móng cho một câu chuyện đầy thách thức và nguy hiểm đang chờ đón.
Đánh Giá
Bóng Tối Dưới Ánh Đèn – Tập 1 thu hút người đọc với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố huyền bí và hành động. Cốt truyện được xây dựng kỹ lưỡng với nhiều tầng lớp, từ truyền thuyết cổ xưa đến những thử thách mà các nhân vật chính phải đối mặt. Sự bí ẩn xung quanh cổ thuật và thẻ đồng con giáp tạo nên một bầu không khí căng thẳng, khiến người đọc luôn muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Bản dịch của Tố Hinh cũng rất mượt mà, giúp truyền tải trọn vẹn cảm xúc và sự kịch tính của câu chuyện. Tuy nhiên, phần đầu của cuốn sách có thể hơi chậm, do tác giả dành nhiều thời gian để thiết lập thế giới và bối cảnh, điều này có thể làm giảm nhịp độ của câu chuyện đối với một số độc giả.
Nhìn chung, Bóng Tối Dưới Ánh Đèn – Tập 1 là một tác phẩm đáng đọc cho những ai yêu thích thể loại huyền bí, kỳ ảo với một cốt truyện đầy sự kiện và những nút thắt bất ngờ.
***
NHÂN NGAO
“Không định nói cho họ nghe à?”
“Có những chuyện càng ít người biết càng tốt.”
Tôi uống một ngụm bia hơi, không nói gì nữa. Nguyệt Bính nheo mắt nhìn tôi, nhếch môi cười: “Nam Qua, đừng chần chừ nữa. Bí mật phải giữ kỹ, không thể chia sẻ được.”
Bia hơi trôi qua thực quản khiến tim gan mát rượi, đồng thời xoa dịu bớt phần nào cảm giác căng thẳng. Tôi thở hắt ra, định châm điếu thuốc mới phát hiện thấy hộp thuốc đã rỗng không.
“Tôi đi mua thuốc, không say không về.” Nguyệt Bính đứng dậy đi thẳng.
Quán nướng ồn ào như chợ vỡ, khách khứa mồm mép bóng nhẫy mỡ, giơ chén liên tục hô cạn ly. Tôi gọi phục vụ tới bảo làm nóng lại mấy xiên nướng rồi ngửa cổ lên nốc cạn cốc nữa, chợt cảm thấy sống thế này thật tốt biết bao.
“Tung… tung!” Chợt có tiếng trống vọng tới sau lưng tôi. Tôi ngoái lại nhìn thì thấy một cô gái chừng hai mươi tuổi, lưng đeo đàn guitar, thắt lưng còn đeo một chiếc trống nhỏ màu đỏ có hoa văn mặt quỷ đang đến từng bàn hỏi các vị khách.
“Có muốn chọn một bài hát không?”
Dáng cô nàng khá nuột khiến tôi không khỏi ngước mắt nhìn kỹ: Nước da ngăm màu bánh mật, áo sơ mi quần jean, đôi má ửng hồng đặc trưng của con gái cao nguyên cùng đôi mi dày, tất cả hợp lại làm toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn mà hoang dã nơi cô.
Bị khách khứa trong quán xua tay từ chối, cô ta hơi thất vọng, thấy tôi đang nhìn bèn vỗ trống đi đến hỏi: “Có muốn chọn một bài không?”
Chẳng hiểu sao tôi bỗng cảm thấy tiếng trống này vừa quen vừa lạ, mỗi khi cất lên lại như có một thứ gì đó xoáy sâu vào lòng, khiến cho tôi khó chịu khôn tả.
“Tôi tên Trác Mã,” cô nàng tự giới thiệu, “trong tiếng Tạng có nghĩa là Độ Mẫu, một nữ thần xinh đẹp.”
Tôi xua tay: “Không chọn bài đâu.”
Trác Mã lại vỗ trống, tim tôi như bị một bàn tay bóp mạnh rồi từ từ thả ra, đau nhói.
“Nghe tôi kể chuyện vậy.” Trác Mã phóng khoáng ngồi xuống, tự rót cho mình một cốc bia rồi ngửa đầu lên uống cạn, chất men khiến đôi gò má cô càng thêm hồng thắm: “Đằng nào tối nay tôi cũng chẳng làm ăn được gì.”
Tôi thấy khó chịu, đang định lên tiếng thì Trác Mã vỗ trống liền sáu cái, tiếng trống dài ngắn không đều. Ấy thế mà tôi bỗng nói không ra tiếng, ngồi thẳng lưng nghe cô kể chuyện.
Sau khi vương triều sụp đổ, các quý tộc cũ và thế gia vọng tộc thừa cơ nổi lên xưng bá một phương, trở thành chủ của đám nông nô. Họ hưởng hết mọi vinh hoa phú quý, sống cuộc đời hoang dâm thối nát.
Lâu ngày khó tránh khỏi nhàm chán, đám chủ nô bắt đầu lôi nông nô ra để tiêu khiển, tra tấn tàn sát mua vui. Khi chúng không còn mặn mà với hình phạt tàn khốc “khoét một lỗ trên đầu nông nô rồi rót chì vào” nữa, một tên chủ nô tên là Tang Cách đã nghĩ ra một trò chơi chết chóc tàn nhẫn – để đám nhân ngao đấu với nhau.
Quá trình luyện “nhân ngao” tàn nhẫn dị thường: Ném đứa bé sơ sinh vào chuồng để ngao mẹ cho bú, nếu không bị ngao mẹ ăn thịt trái lại còn được nó cho bú thì chứng tỏ đứa bé này bẩm sinh đã có tính ngao, trở thành “nhân ngao giống”. Sống cùng bầy ngao lâu ngày, khi lớn lên đứa bé đã hoàn toàn đánh mất tính người, coi mình là ngao. Ngay đến cả cơ thể cũng trở nên giống ngao, lông lá rậm rì, móng tay móng chân sắc lẹm, mũi to răng sắc, hoàn toàn thú hóa.
Nhân ngao đến mười tuổi bắt đầu bị huấn luyện chiến đấu rồi tham gia vào cuộc tỉ thí nhân ngao mỗi năm một lần.
Đôi bên đều cho nhân ngao hung tàn nhất ra sân thi đấu, con nào thắng đến cuối cùng sẽ được phong là “nhân ngao vương”, cho đấu với ngao vương thực sự.
Nhân ngao dù có hung tợn đến mấy thì cũng đâu phải là đối thủ của ngao vương? Thông thường chẳng được mấy hiệp nhân ngao đã bị ngao vương xé xác. Đám chủ nô vốn chẳng quan tâm ai thắng ai thua, chỉ có tiếng gào thét trước khi chết của nhân ngao mới có thể thỏa mãn được ham muốn biến thái của chúng mà thôi.
Trong những năm tháng nông nô bị chà đạp không có chút danh dự nào ấy, rất nhiều đứa bé con cái nhà nông nô vừa ra đời đã bị cướp đi.
Đám dân du mục mạo hiểm vượt qua núi tuyết trắng xóa, bất chấp nguy cơ có thể bị chết cóng, từ Đại Tuyết Sơn* trốn ra ngoài để tránh cho con cái mình bị bắt làm nhân ngao, nhưng những kẻ sống sót chỉ đếm đầu ngón tay. Cũng có vài người dân du mục vì quá đỗi nghèo khổ mà phải bán đứa con vừa mới chào đời của mình cho đám chủ nô, đổi lấy một con bò Yak mong sống qua ngày.
Để tạo ra nhân ngao mạnh mẽ hơn nữa, đám chủ nô đã dùng que sắt xiên thịt thối treo trên đỉnh lồng. Nhân ngao đói ngấu muốn ăn được thịt sẽ ra sức nhảy chồm lên hòng với tới đỉnh lồng, làm vậy không chỉ tăng sức bật cơ bắp mà còn khiến cho răng lợi chúng nhiễm độc từ xác chết sau nhiều năm ăn thịt thối, trong lúc chiến đấu cắn vào đối thủ có thể khiến đối thủ trúng độc.
Trò chơi chết chóc đẫm máu nọ kéo dài rất nhiều năm, cuối cùng đến một ngày, khi một cuộc tỉ thí nhân ngao sắp mở màn thì đột nhiên kết thúc. Chẳng ai biết được nguyên nhân do đâu, chỉ nghe nói có một chủ nô tên Đan Tăng Tùng Cách, hồi nhỏ cưỡi ngựa bị ngã, hai mắt bị đá dăm đâm mù, đúng lúc ấy gặp phải bầy sói tấn công thì được nhân ngao nhà mình nuôi dưỡng xả thân ra cứu, mò mẫm bò từng chút một về nhà. Từ ấy ông ta sực tỉnh ngộ, một lòng hướng Phật, đối đãi với dân du mục rất tốt. Sau khi trưởng thành, Đan Tăng Tùng Cách đã đem toàn bộ gia sản của mình chia hết cho các chủ nô, chỉ xin họ bỏ trò chơi mất hết tính người này đi.
Truyền thuyết chẳng rõ là đúng hay sai, chỉ biết từ đó trò tỉ thí nhân ngao biến mất và vùng ấy có thêm một nhà sư mù mặt sẹo. Ông ta đi khắp nơi trị bệnh cho dân du mục, chỉ lấy một ít đồ ăn coi như tiền chữa bệnh. Dân du mục gọi ông ta là “Lạc Tang Đa Cát”, có nghĩa là “kim cương lương thiện”.
Lạc Tang càng lúc càng nổi tiếng, cứ đi đến đâu là người dân lại ùn ùn kéo đến xin ông chữa trị. Cứ thế mấy năm, có lần ông ta đi ngang qua một căn lều du mục, thấy đôi vợ chồng nghèo nọ dắt đứa con gái câm tên Bạch Mã đi ra.
Lạc Tang trầm ngâm thật lâu rồi sờ lên nốt ruồi nơi khóe môi Bạch Mã, nói: “Ta từng gặp một ông lão tóc bạc ở trung nguyên, trò chuyện thâu đêm, được cho một cuốn ‘Đạo Đức kinh*’; trong đó có câu ‘Thanh âm cực lớn thì nghe không thấy, hình tượng cực lớn thì trông không thấy’, âm thanh đẹp đẽ nhất là vô thanh, hình tượng đẹp đẽ nhất là vô hình. Bạch Mã không phải câm, chẳng qua các người không có trái tim để nghe được âm thanh đẹp đẽ nhất ấy mà thôi.”
Đôi vợ chồng mù chữ nọ dĩ nhiên không hiểu ý tứ sâu xa bên trong, chỉ biết bệnh câm của Bạch Mã không thể trị khỏi. Họ coi như phải nuôi báo cô một cục nợ là Bạch Mã, không gả được cho ai, còn không đổi được cả một con bò Yak để làm sính lễ. Bạch Mã rưng rưng nước mắt nhìn vẻ mặt căm ghét của cha mẹ mình.
Lạc Tang thấy thế thở dài: “Bạch Mã, con có bằng lòng theo ta tu hành Phật pháp, dùng thanh âm đẹp đẽ nhất để phổ độ chúng sinh hay không?”
Bạch Mã chớp đôi mắt to tròn đen láy long lanh như mã não đen, gật đầu thật mạnh rồi đi theo Lạc Tang.
Lên tới đỉnh núi, Bạch Mã phóng mắt nhìn xuống dưới căn lều xập xệ đằng xa, chợt thấy một bé gái chui ra khỏi lều, dáo dác như đang tìm gì đó. Tìm một lúc lâu mà vẫn không thấy, đứa bé khóc òa lên, đôi vợ chồng du mục nọ bèn nhét một cái bánh khô đen sì vào miệng nó rồi mắng mỏ đuổi đứa bé vào lều. Chẳng bao lâu sau, hai vợ chồng bưng một chậu sữa dê ra cho mấy con ngao đang nằm dài phơi nắng uống. Trong mắt họ, con gái còn chẳng bằng mấy con ngao có thể chống lại bầy sói hoang.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.