Mô tả
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Taiko Trăm Năm Một Giấc Cơ Đồ của tác giả Eiji Yoshikawa & Nguyễn Đăng Thuần (dịch).
Khoảng giữa thế kỷ thứ 16, khi Mạc phủ Ashikaga vào hồi suy vi, Nhật Bản trở thành một đại chiến trường, quân hùng cát tranh nhau ưu thế thống trị. Trông số đó nổi lên ba gương mặt xuất chúng, như ba ánh sao băng xẹt ngang bầu trời đêm. Tuy cả ba đều cùng khát vọng gom giang sơn về một mối, nhưng mỗi người đều mang cá tính khác biệt: Nobunaga, nóng nảy, quyết đoán, dữ tợn; Hideyoshi, khiêm nhường, khôn khéo, khó đoán; Ieyasu, điềm đạm, nhẫn nại, toan tính, triết lý trái ngược của họ từ lâu đã được người nhật ghi nhớ trong vần thơ mà trẻ nhỏ đi học đều biết đến: Làm sao đây nếu con chim không bói? Nobunaga, “Giết nó!” Hideyoshi, “Khiến nó muốn hót” Ieyasu, ” Chờ xem” Tác phẩm này, Taiko( tước vị mà theo đó Hideyoshi lưu danh nước nhật đến tận ngày nay), là câu chuyện về một người mà nếu chim không hót thì ông ta sẽ biết cách khiến nó phải cất cao tiếng hót.
***
Xuân đi thu đến. Cùng năm ấy, Hideyoshi hết phái chiến thuyền vào Nam lại tung chiến mã ra Bắc theo những cuộc hành quân bình định giang sơn. Đến tháng Chín, ông trở về Osaka và bắt đầu cai quản công việc đối nội cũng như đối ngoại của Hoàng quốc.
Thi thoảng, ông cũng nhìn lại những ngọn núi mình từng leo qua cho đến tận ngày nay, và những lúc như vậy ông không khỏi thầm chúc mừng cho nửa đầu cuộc đời của mình dưới vòm trời. Năm tới đây ông sẽ bước vào tuổi năm mươi, là thời gian để một người vừa ngẫm lại quá khứ vừa tính chuyện cho bước đi kế tiếp.
Thế rồi, bởi ông cũng chỉ là con người và quả tình dễ bị cuốn vào thú vui dục lạc hơn bao kẻ bình thường khác, về đêm, ông hẳn sẽ suy tư về những thú đam mê chi phối đời ông thuở quá khứ và còn tiếp tục như thế trong hiện tại, rồi tự hỏi tương lai sau này liệu chúng sẽ còn đưa ông đi đâu về đâu.
Đây là mùa thu của đời ta. Tuổi bốn mươi chín chẳng còn bao tháng nữa.
Khi ví cuộc đời tựa như việc leo núi, ông cảm tưởng như mình đang trông xuống phía chân núi xa kia sau khi đã leo gần như tới đỉnh.
Thường thì, đỉnh núi được coi như mục tiêu của việc leo núi. Thế nhưng, mục tiêu thực sự, hay niềm vui cuộc sống, không nằm trên đỉnh mà ở trong nghịch cảnh gặp phải trên đường đi lên. Men theo những lối mòn cheo leo, hiểm trở, gặp phải thung lũng, mỏm đá, suối sâu, vách đứng hay dốc cao, kẻ leo núi có lúc tưởng chừng mình chẳng thể đi được xa hơn nữa, thậm chí còn cho rằng thà chết đi còn hơn là bước tiếp. Nhưng rồi, anh ta vẫn gắng gượng nghĩ cách khắc phục khó khăn ngay trước mắt; và khi rốt cuộc có thể ngoái nhìn những gì đã vượt qua, anh ta chợt nhận ra mình đã thực sự trải nghiệm niềm vui cuộc sống khi hãy còn đang trên con đường đời.
Cuộc đời thiếu đi sự rối rắm của bao ngã rẽ hay bao lần xoay xở khó khăn hẳn sẽ buồn tẻ biết bao! Con người sẽ chán chường cuộc sống đến mức nào nếu chỉ việc cất bước bình yên trên con đường bằng phẳng! Rốt cuộc, đời người chính là những chuỗi gian lao và tranh đấu không ngừng, và niềm vui cuộc sống không phải ở những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi. Hideyoshi, kẻ vốn sinh ra trong nghịch cảnh, đã trưởng thành từ sự lăn lộn giữa những nghịch cảnh ấy.
Tháng Mười năm Thiên Văn thứ mười bốn, Hideyoshi và Ieyasu gặp nhau tại Osaka cho một cuộc nghị hòa lịch sử. Bất khả chiến bại trên chiến trường, ấy thế mà Ieyasu lại phải nhường chiến thắng về mặt chính trị vào tay Hideyoshi. Hai năm trước, Ieyasu đã gửi con trai làm con tin ở Osaka, và giờ thì ông đón em gái của Hideyoshi về làm vợ. Gã Ieyasu nhẫn nại sẽ chờ cơ hội của mình – có lẽ con chim còn chưa chịu hót vì ông.
Sau cuộc đại yến mừng việc giảng hòa với đối thủ mạnh nhất của mình, Hideyoshi lui về nội điện của tòa thành. Tại đây, ông cùng gia thần tâm phúc chào mừng thắng lợi bằng những tuần rượu sake mệt nghỉ. Nhiều giờ sau, Hideyoshi loạng choạng đứng dậy chúc mọi người một đêm ngon giấc. Ông khệnh khạng cất bước, chân nam đá chân chiêu xuôi hành lang: Một gã đàn ông choắt cheo, mặt tựa mặt khỉ, bị đám tỳ thiếp xúm quanh khiến ông ta gần như khuất hẳn sau những bộ áo kimono nhiều tầng lụa là đủ sắc màu. Tiếng nói cười của đám phụ nữ râm ran khắp các hành lang dát vàng, giữa lúc hình dáng bé nhỏ của vị tướng lĩnh tối cao nước Nhật được dẫn về giường ngủ của ông ta.
Trong suốt mười hai năm còn lại của mình, Hideyoshi củng cố quyền cai trị quốc gia, vĩnh viễn dẹp tan quyền lực các gia tộc samurai. Chính sách mở mang và bảo trợ nghệ thuật của ông đã tạo nên sự phồn vinh và tươi đẹp mà ngày nay vẫn được ngợi khen là thời kỳ Phục hưng của nước Nhật. Theo thời gian, ông được Thiên Hoàng phong hết tước hiệu này tới tước hiệu khác: nhiếp chính quan bạch, kampaku; và cựu nhiếp chính quan, Taiko. Ấy vậy nhưng, giấc mộng của Hideyoshi không chỉ quẩn quanh trong nước; tham vọng của ông đã vượt qua bên kia ranh giới quốc gia, vươn tới miền đất ông từng mơ đến thuở nhỏ – vương quốc của các hoàng đế nhà Minh. Thế nhưng ở nơi ấy, các đoàn quân của Taiko đã thất bại trong nỗ lực chinh phạt. Kẻ vốn chưa từng hoài nghi rằng ông ta có khả năng xoay chuyển tình thế để thuận theo mục đích của mình, rằng ông ta luôn biết cách hóa thù thành bạn, và rằng ông ta thậm chí còn khiến một con chim lặng câm phải cất lên tiếng hót theo giai điệu ông ta chọn lấy, cuối cùng cũng đành chịu thua trước một thế lực to lớn hơn và trước một con người nhẫn nại hơn. Nhưng dẫu sao, ông cũng đã để lại một di sản mà hào quang chói lọi mãi mãi trường tồn như ký ức về một Thời đại Toàn thịnh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.