Skip to content Skip to footer
-98%

Bàn Về Ham Muốn: Tại Sao Chúng Ta Muốn Thứ Mà Ta Muốn

Giá gốc là: ¥1,100.Giá hiện tại là: ¥200.

Đọc “Bàn về ham muốn” có thể giúp bạn để tâm đến sự vận hành của ham muốn trong mình. Khi đó, bạn sẽ nhanh chóng có nhận thức đầy kinh ngạc rằng ham muốn của bạn có một cuộc đời riêng.

Bàn Về Ham Muốn_ Tại Sao Chúng Ta Muốn Thứ Mà Ta Muốn – demo

Mô tả

Chúng ta ngập chìm trong ham muốn gần như trong mỗi phút giây ta thức. Nếu chúng ta ngủ thì ham muốn tạm thời được chế ngự, trừ khi chúng ta mơ và những giấc mơ có thể sẽ được định hình bởi những ham muốn của chúng ta. Kỹ năng hình thành ham muốn của chúng ta thật phi thường. Chẳng có ai dạy chúng ta cách làm việc đó. Hơn thế nữa, nó còn là một kỹ năng mà chúng ta có thể luyện tập cả đời mà không biết mệt mỏi. Khi nói đến ham muốn, ai cũng là chuyên gia. Nếu có một giải Olympic về môn ham muốn thì tất cả chúng ta sẽ có mặt trong đội tuyển tham dự. Đau ốm và tuổi già có thể thay đổi thứ mà chúng ta ham muốn, nhưng chúng không khiến ta dừng ham muốn.

Ham muốn làm thế giới này trở nên sinh động. Nó hiện diện nơi đứa bé đang khóc đòi sữa, nơi bé gái đang loay hoay giải một bài toán, người phụ nữ gặp người mình yêu và quyết định có con sau đó, và bà cụ khom người trước khung tập đi, dịch chuyển từng bước chậm chạp dọc theo hành lang của viện dưỡng lão để nhận bức thư của mình. Khi tước bỏ ham muốn khỏi thế giới này, bạn sẽ ở một nơi mà sự sống đóng băng, con người không có lý do gì để sống và chẳng có lý do nào để chết.

Vì chúng ta liên tục trải nghiệm sự ham muốn nên chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng. Cũng giống như tiếng ồn do quạt máy vi tính tạo ra. Tiếng ồn luôn có mặt ở đó, một tiếng thì thầm nhỏ, và bởi vì nó luôn có mặt ở đó nên chúng ta không để tâm tới nó. Tương tự như thế, chúng ta luôn lờ đi những ham muốn của mình, sự thăng trầm và vai trò của chúng trong cuộc sống của ta. Chỉ khi nào ham muốn của chúng ta trở nên dữ dội (như khi chúng ta bước vào tình yêu) hoặc khi xảy ra xung đột (như khi chúng ta thèm ăn một bát kem nhưng chúng ta lại ước mình không thèm nó nữa vì ta đang ăn kiêng) thì chúng ta mới chú ý đến những ham muốn của mình, cùng với sự pha trộn giữa cảm giác bối rối và bực bội. Và bởi chúng ta không nhận ra hoạt động của ham muốn bên trong mình nên chúng ta có đầy rẫy những quan niệm sai lầm về nó.

Đọc “Bàn về ham muốn” có thể giúp bạn để tâm đến sự vận hành của ham muốn trong mình. Khi đó, bạn sẽ nhanh chóng có nhận thức đầy kinh ngạc rằng ham muốn của bạn có một cuộc đời riêng. Chúng chợt lóe lên trong đầu bạn, gần như là từ trên trời rơi xuống. Thực sự, trong nhiều trường hợp, bạn không lựa chọn những ham muốn của mình nhiều bằng việc phát hiện thấy chúng tồn tại trong bạn. Bạn cũng sẽ hiểu rõ mức độ mà những ham muốn không mời mà đến này định đoạt cách mà bạn sống mỗi ngày và về lâu về dài là cách mà bạn sống hết cuộc đời mình.

Mục lục:
Lời cảm ơn
Giới thiệu
Phần 1: Đời sống bí mật của ham muốn
Sự thăng trầm của ham muốn
Kẻ khác
Phần 2: Khoa học về ham muốn
Vẽ sơ đồ ham muốn của chúng ta
Những suối nguồn của ham muốn
Tâm lý học ham muốn
Sự tiến hoá của ham muốn
Hệ thống động lực sinh học bên trong
Phần 3: Giải quyết những ham muốn của chúng ta
Thân phận con người
Lời khuyên từ tôn giáo
Lời khuyên tôn giáo tiếp theo: Những giáo phái Tin lành
Lời khuyên triết học
Những kẻ lập dị
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Trích đoạn nội dung:
Một số ham muốn được hình thành nhờ vào các quá trình suy nghĩ lý trí. Giả sử tôi muốn ăn trưa. Tôi kết luận rằng cách tốt nhất để ăn trưa là lái xe đến một nhà hàng gần đây, sau khi nhận ra tủ lạnh trong nhà đã hết thức ăn. Kết quả là, tôi hình thành một ham muốn lái xe đến nhà hàng. Đây là quá trình hoàn hảo và đáng khen ngợi của lý trí.
Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng mọi ham muốn của chúng ta đều được hình thành như vậy. Ngược lại, nhiều ham muốn sâu sắc, có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời chúng ta lịa không có lý trí, nghĩa là ta không dùng đến quá trình suy nghĩ lý trí để tạo nên chúng. Quả thực, chúng ta không tạo ra chúng mà chúng hình thành bên trong ta. Chúng chỉ đơn giản là xuất hiện trong đầu ta, một cách đường đột, không mời mà đến. Trong khi chúng ngự trị ở đó thì chúng kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Một ham muốn nổi loạn có thể giẫm nát những kế hoạch mà chúng ta đặt ra cho cuộc đời mình và do đó làm thay đổi số phận của ta.
Nếu chúng ta hiểu được ham muốn – thật vậy, nếu chúng ta hiểu được thân phận của con người – thì chúng ta cần phải thừa nhận về khả năng tự phát của ham muốn. Sau đó, chúng ta hãy xem xét một số trường hợp mà cuộc sống của những con người vô cùng lý trí bỗng bị đảo lộn hoàn toàn bởi sự xuất hiện đột ngột, không thể lý giải được ham của ham muốn.
***

Ham muốn là một chủ đề mà ở đó, góc nhìn đúng đắn chỉ có thể đạt được bằng cách đảo ngược gần như hoàn toàn những quan điểm thông thường của đám đông.

Bertrand Russell

GIỚI THIỆU

Lúc này đây bạn đang trải nghiệm sự ham muốn; bởi nếu không thì bạn có thể đã chẳng đọc những dòng này. Ngay cả khi bạn đang đọc chúng theo yêu cầu của người khác, bạn vẫn bị thôi thúc bởi ham muốn làm hài lòng người đó. Và nếu ngừng đọc thì đó không phải vì bạn đã hết ham muốn mà bởi vì ham muốn của bạn đã thay đổi.

Chúng ta ngập chìm trong ham muốn gần như trong mỗi phút giây ta thức. Nếu ngủ thì ham muốn tạm thời được chế ngự, trừ khi mơ và những giấc mơ có thể sẽ được định hình bởi những ham muốn của chúng ta. Kỹ năng hình thành ham muốn thật phi thường. Chẳng có ai dạy chúng ta cách làm việc đó. Hơn thế nữa, nó còn là một kỹ năng mà chúng ta có thể luyện tập cả đời mà không biết mệt mỏi. Khi nói đến ham muốn, ai cũng là chuyên gia. Nếu có một giải Olympic về môn ham muốn thì tất cả chúng ta sẽ có mặt trong đội tuyển tham dự. Đau ốm và tuổi già có thể thay đổi thứ mà chúng ta ham muốn, nhưng chúng không khiến ta dừng ham muốn.

Hãy thử chặn dòng chảy của ham muốn trong giây lát. Bạn sẽ phải ngừng vặn người, ngừng gõ những ngón tay hay siết chặt các ngón chân; bạn sẽ phải thả lỏng lưỡi trong khoang miệng và để mi mắt khép lại; bạn sẽ ngồi ngả người ra ghế hoặc nằm xuống bất động; trong khả năng của mình, bạn sẽ phải từ bỏ sự kiểm soát đối với hơi thở và để cho tâm trí trở nên trống rỗng. Nói cách khác, bạn sẽ phải bước vào trạng thái mà chúng ta gọi là thiền định. Và ngay cả thế, bạn vẫn không thể xóa sạch được ham muốn của bản thân bởi bạn sẽ không ở trong trạng thái này trừ khi bạn không ngừng ham muốn duy trì điều đó. Người ta cần phải có ham muốn để cố gắng dập tắt ham muốn, mà thường là không thành công.

Nếu thử trải nghiệm trên thì bạn sẽ phát hiện ra tâm trí của mình gần như không bao giờ trống rỗng. Những ý nghĩ mới sẽ nảy sinh, nhiều ý nghĩ trong số đó thể hiện sự ham muốn. Bạn có thể thấy mình đang đói và muốn ăn, hay bạn đang cảm thấy khó chịu và muốn cựa quậy. Bạn có thể trải qua cảm giác tức giận bởi nỗi thất vọng về những ham muốn trước đây, hoặc cảm giác lo âu bởi những ham muốn về tương lai. Thử nghiệm này cũng giống với thiền định, hay còn được biết tới là tọa thiền. Bằng cách thực hiện thiền định, các thiền sư thấu tỏ được quá trình mà những ham muốn âm thầm hình thành bên trong chúng ta.

Ham muốn làm thế giới này trở nên sinh động. Nó hiện diện nơi đứa bé đang khóc đòi sữa, nơi bé gái đang loay hoay giải một bài toán, người phụ nữ gặp người mình yêu và quyết định có con sau đó, hay bà cụ khom người trước khung tập đi, dịch chuyển từng bước chậm chạp dọc theo hành lang của viện dưỡng lão để nhận bức thư của mình. Khi tước bỏ ham muốn khỏi thế giới này, bạn sẽ ở một nơi mà sự sống đóng băng, con người không có lý do gì để sống và chẳng có lý do nào để chết.

Một số người có ít ham muốn hơn phần nhiều những người còn lại. Một số người thiếu ham muốn vì họ bị trầm cảm. Một số người khác thì thiếu ham muốn vì họ đã Giác ngộ. Trạng thái Giác ngộ này thường là kết quả cuối cùng sau nhiều năm nỗ lực với một ham muốn mãnh liệt là giải thoát bản thân khỏi sự kìm kẹp của ham muốn.

Vì chúng ta liên tục trải nghiệm sự ham muốn nên chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng. Cũng giống như tiếng ồn do quạt máy vi tính tạo ra. Tiếng ồn luôn có mặt ở đó, một tiếng thì thầm nhỏ, và bởi vì nó luôn có mặt ở đó nên chúng ta không để tâm tới nó. Tương tự như thế, chúng ta luôn lờ đi những ham muốn của mình, sự thăng trầm và vai trò của chúng trong cuộc sống của ta. Chỉ khi nào ham muốn của chúng ta trở nên dữ dội (như khi ta bước vào tình yêu) hoặc khi xảy ra xung đột (như lúc thèm ăn một ly kem nhưng lại ước mình không thèm nó nữa vì đang ăn kiêng) thì chúng ta mới chú ý đến những ham muốn của mình, cùng với sự pha trộn giữa cảm giác bối rối và bực bội. Và bởi không nhận ra hoạt động của ham muốn bên trong mình nên chúng ta có đầy rẫy những quan niệm sai lầm về nó.

Việc đọc cuốn sách này có thể mang lại một hệ quả là lần đầu tiên trong đời, bạn để tâm đến sự vận hành của ham muốn của bản thân. Khi đó, bạn sẽ nhanh chóng có được nhận thức đầy kinh ngạc rằng ham muốn của bạn có một cuộc đời riêng. Chúng chợt lóe lên trong đầu bạn, gần như là từ trên trời rơi xuống. Thực sự, trong nhiều trường hợp, bạn không lựa chọn những ham muốn nhiều bằng việc phát hiện thấy chúng tồn tại trong bạn. Bạn cũng sẽ hiểu rõ mức độ mà những ham muốn không mời mà đến này định đoạt cách mà bạn sống mỗi ngày, và về lâu về dài là cách mà bạn sống hết cuộc đời mình.

Ở một góc độ khác, khi hiểu được cách thức hoạt động của ham muốn thì những ham muốn mà bạn hình thành có khả năng thay đổi. Chắc chắn điều này đã xảy ra với tôi trong suốt quá trình nghiên cứu của mình. Một khi tôi hiểu được mức độ mà các ham muốn nảy sinh một cách tự phát chứ không phải do quá trình suy nghĩ lý trí thì tôi ngày càng hoài nghi những ham muốn ấy. Tôi sẽ hỏi: “Ham muốn này đến từ đâu? Tại sao tôi lại muốn điều này?” Trong nhiều trường hợp, sau khi đặt câu hỏi thì cuối cùng, tôi sẽ loại bỏ được ham muốn đang nói đến. (Chỉ trong nhiều trường hợp, nhưng không phải là trong tất cả! Tôi hoàn toàn không tuyên bố rằng mình đã làm chủ được ham muốn).

Mục tiêu của tôi khi nghiên cứu về ham muốn là lục tung nó lên để kiểm tra, để hiểu làm thế nào và tại sao ham muốn lại xuất hiện, chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của ta ra sao và làm thế nào để làm chủ ham muốn. Khi theo đuổi mục tiêu này, tôi xem xét những lời dạy về ham muốn của Phật giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, người Amish, người Shaker, và các vị thánh Công giáo, cũng như những điều mà các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng như các triết gia châu Âu thời hiện đại đã nói đến. Việc khảo cứu về ham muốn của tôi ngoài yếu tố đa văn hóa còn mang tính đa ngành. Sau khi xem xét các tác phẩm của các triết gia và nhà tư tưởng tôn giáo, tôi còn nghiên cứu khoa học về việc làm thế nào và tại sao chúng ta lại hình thành những ham muốn.

Đã có rất nhiều người suy ngẫm và viết về ham muốn trong vài thiên niên kỷ qua, và bạn đọc hẳn sẽ tự hỏi: Vậy còn gì để nói về chủ đề này? Nhưng tôi cho rằng đây là một thời điểm thích hợp để xét lại về ham muốn. Trong ba thập kỷ qua, các nhà tâm lý học tiến hóa đã đưa ra một số phát hiện về lý do tại sao chúng ta lại muốn những điều mà ta muốn. Trong cùng thời kỳ đó, các nhà khoa học thần kinh đã có những khám phá giúp chúng ta lần đầu tiên hiểu được cơ chế của ham muốn. Hiểu biết này cho phép họ phát triển những loại thuốc như Prozac giúp khơi dậy ham muốn ở những bệnh nhân trầm cảm. Ở các trang tiếp theo, tôi sẽ cố gắng dung hòa các quan điểm cổ điển về ham muốn với nghiên cứu khoa học được thực hiện trong vài thập kỷ qua. Rồi chúng ta sẽ thấy, nghiên cứu này về cơ bản xác nhận nhiều nhận định tiền khoa học của các triết gia và các nhà tư tưởng tôn giáo về sự vận hành của ham muốn. Điều đó cũng xác nhận nhiều lời khuyên về cách làm chủ ham muốn của những vĩ nhân như Đức Phật, Epictetus và Thoreau.

Sự phát triển xã hội và kinh tế trong những thập kỷ gần đây cũng là lý do khiến thời điểm này là lý tưởng để xem xét lại ham muốn. Trên khắp thế giới, mức độ giàu có, phồn vinh tăng lên không khiến mức độ mãn nguyện cá nhân cũng vì thế mà tăng theo. Đặc biệt là những công dân ở các quốc gia giàu có, họ được tận hưởng một mức độ tiện nghi vật chất mà tổ tiên của họ không thể tưởng tượng nổi. Thậm chí ngay cả những công dân được các nhà thống kê của chính phủ xếp vào loại nghèo thì cũng có thuốc kháng sinh, biện pháp tránh thai đáng tin cậy, máy nghe đĩa CD, được tiếp cận internet và ống dẫn nước vào tận nhà. Nhưng dù “có tất cả” so với ông cha mình thì họ vẫn cảm thấy bất mãn.

Phần lớn mọi người dành thời gian để theo đuổi những thành công mang tính xã hội như danh vọng, tài sản và tất cả những thứ đi cùng với chúng. (Và nếu không phải danh vọng, tài sản thì chí ít cũng là địa vị xã hội và sự sung túc tương đối). Họ tưởng tượng rằng nhờ đạt được thành công này thì họ cũng sẽ có được sự mãn nguyện – hay ít nhất là sẽ cảm thấy thỏa mãn với những thành tựu, mối quan hệ, tài sản, và quan trọng nhất là mãn nguyện với cuộc sống của họ. Và với sự thỏa mãn này, họ tin rằng hạnh phúc dài lâu sẽ đến với mình. Điều mà họ không nhận ra, cũng là điều mà tôi sẽ lập luận ở các trang tới, đó là người ta hoàn toàn có thể đạt được sự thỏa mãn mà không cần theo đuổi, hay đạt được nhiều thành công mang tính xã hội như thế. Thật vậy, khi chạy theo thành công bên ngoài, con người nhìn chung sẽ làm giảm đi cơ hội đạt được sự thỏa mãn bên trong.

Mọi người thường cho rằng cách tốt nhất để đạt được hạnh phúc là thay đổi môi trường xung quanh như nhà cửa, quần áo, xe cộ, công việc, bạn đời, người yêu và nhóm bạn bè của họ. Song những ai đã suy xét một cách cẩn trọng về ham muốn (chúng ta sẽ xem xét quan điểm của họ ở những trang tiếp theo) đều có chung một kết luận rằng cách tốt nhất, hay có lẽ thực sự là cách duy nhất, để có được hạnh phúc dài lâu không phải là thay đổi thế giới xung quanh chúng ta hay vị trí của chúng ta trong thế giới này, mà là thay đổi chính bản thân mình. Cụ thể là, nếu có thể thuyết phục bản thân muốn những thứ mà ta đã có thì chúng ta có thể tăng hạnh phúc của mình lên đáng kể mà không cần đến bất kỳ thay đổi nào trong cuộc sống. Một người bình thường không thể nhận ra điều hết sức đơn giản rằng sự thỏa mãn tuyệt vời nhất mà họ có thể đạt được không phải là cố gắng đáp ứng những ham muốn xuất hiện trong mình, mà là kìm nén hoặc loại bỏ có chọn lọc những ham muốn đó. Trong suốt các thời đại và khắp các nền văn hóa, những người có hiểu biết thông tuệ đều cho rằng cách tốt nhất để đạt được hạnh phúc là làm chủ ham muốn của mình, nhưng những người bình thường lại bỏ qua lời khuyên này.

Làm chủ hoàn toàn các ham muốn của bản thân dường như là điều không tưởng. Ngay cả Đức Phật cũng không thành công trong việc dập tắt ham muốn: sau khi giác ngộ, Ngài vẫn duy trì một vài ham muốn – muốn thở, muốn ăn và đặc biệt là muốn chia sẻ với chúng sinh nguồn gốc sự giác ngộ của Ngài. Vì vậy, điều mà chúng ta nên tìm kiếm là khả năng làm chủ ham muốn một cách tương đối. Chúng ta nên học cách sắp xếp, phân loại các ham muốn, cố gắng thỏa mãn một số ham muốn và nỗ lực kìm nén những ham muốn khác.

Vậy làm sao để biết được khi nào chúng ta đã “làm chủ được” ham muốn? Đó là khi chúng ta trải qua cảm giác mà phần lớn những người từng suy nghĩ nghiêm túc về ham muốn đều hướng tới – cảm giác yên bình. Đây không phải là cảm giác do thuốc an thần mang lại, mà là khi chúng ta thấy mình may mắn được sống bất kỳ cuộc đời nào mà số phận an bài cho mình; là dù rơi vào hoàn cảnh sống nào, chúng ta vẫn cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Mức độ lo âu giảm xuống cùng với cảm giác chúng ta không còn ám ảnh với những thứ như một chiếc xe hơi mới, một ngôi nhà to hơn, một cơ bụng săn chắc – những thứ mà chúng ta lầm tưởng rằng chỉ khi giành được, ta mới có được hạnh phúc dài lâu. Quan trọng hơn hết, nếu làm chủ được ham muốn trong chừng mực cho phép thì chúng ta sẽ không còn coi thường cuộc sống mình đang có và sẽ thôi mơ mộng được sống cuộc đời của người khác. Thay vào đó, chúng ta sẽ chấp nhận cuộc sống của riêng mình và sống trọn vẹn hết mình.

Cuốn sách này được chia thành ba phần. Trong Phần 1, tôi xem xét về đời sống bí ẩn của ham muốn. Tôi bắt đầu bằng cách mô tả những trường hợp mà mọi người thấy bản thân họ chìm đắm trong ham muốn một cách đột ngột và khó hiểu, cũng như những trường hợp mà những ham muốn vốn bị con người coi là hiển nhiên (nhưng lại định hình cuộc sống của họ trong nhiều thập kỷ) bỗng nhiên biến mất. Tôi cũng xem xét nhu cầu mãnh liệt của con người là muốn tương tác và nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác.

Nếu muốn giành chiến thắng trong trận chiến với những ham muốn bất hảo thì việc hiểu được chúng sẽ có ích cho chúng ta. Chính vì lý do này mà trong Phần 2 của cuốn sách, tôi xem xét những điều mà các nhà khoa học đã khám phá được về ham muốn, về cách chúng ta hình thành nên ham muốn và tại sao lại hình thành những ham muốn đó. Tôi bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về cấu trúc của ham muốn và nguồn gốc của ham muốn trong chúng ta. Sau đó, tôi tiếp tục mô tả một số nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà tâm lý học và nhà khoa học thần kinh về những điều diễn ra trong não bộ khi chúng ta ham muốn. Sau đó, tôi suy đoán về cách thức mà chúng ta tiến hóa khả năng ham muốn và những ham muốn cụ thể nào dần dần được “gắn chặt vào” chúng ta do quá khứ tiến hóa của chúng ta. Bởi sự thiết lập này mà chúng ta có xu hướng hình thành nên những ham muốn nhất định nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là bằng cách nỗ lực thỏa mãn các ham muốn đó, ta sẽ đạt được một cuộc sống hạnh phúc hoặc ý nghĩa. Trong Phần 3, tôi xem xét lời khuyên về cách làm chủ ham muốn được đưa ra qua hàng thiên niên kỷ và ở khắp các nền văn hóa, bao gồm tôn giáo, triết học và cả những lời khuyên được coi là lập dị nhất.

Tôi muốn lưu ý ngay từ đầu với độc giả rằng ở những trang tiếp theo, tôi sẽ không cung cấp một “phương pháp thần kỳ” để có thể ngay lập tức xóa bỏ những ham muốn bất hảo một cách dễ dàng. Thay vào đó, những gì mà tôi mang lại là sự hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của ham muốn, vai trò của nó trong đời sống con người và mối quan hệ giữa sự hình thành ham muốn, thỏa mãn ham muốn và hạnh phúc của con người. Hy vọng rằng những hiểu biết này sẽ giúp độc giả cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống của bản thân hơn, thay vì bị những quan niệm sai lầm về cách vận hành của ham muốn khiến cho bạn đau khổ như phần đông mọi người. Độc giả cũng sẽ tiếp cận được những cách thức để có thể ngăn chặn những ham muốn bất hảo nảy sinh trong mình và loại bỏ chúng ra khỏi tâm trí từ lời khuyên của những bậc trí giả trong suốt hàng ngàn năm thông qua các cuộc thảo luận của tôi. Đó là những ham muốn mà mặc dù ta đã cố gắng hết sức kiềm chế nhưng chúng vẫn cứ nảy sinh. Một lần nữa, tôi nhắc lại rằng tôi không có giải pháp thần kỳ nào, bởi làm theo bất kỳ lời khuyên nào cũng đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nếu chúng ta thích những điều mà các Phật tử Thiền tông đã nói về cách làm chủ ham muốn thì chúng ta có thể dành hàng giờ đồng hồ để yên lặng ngồi thiền; nếu thích lời dạy của người Amish, chúng ta có thể gia nhập một cộng đồng Amish (nếu họ muốn thu nạp chúng ta); nếu đồng tình với lời dạy của các triết gia khắc kỷ thì chúng ta có thể dành thời gian tìm hiểu các tác phẩm của họ. Nhưng tôi xin nói thêm rằng thời gian và công sức mà chúng ta bỏ ra để cố gắng làm chủ ham muốn có lẽ sẽ ít hơn đáng kể so với việc đầu hàng trước ham muốn và rồi tiêu tốn thời gian, nỗ lực, làm việc không ngừng nghỉ để thỏa mãn bất cứ ham muốn nào trôi nổi trong đầu óc mình.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Bàn Về Ham Muốn: Tại Sao Chúng Ta Muốn Thứ Mà Ta Muốn”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin bổ sung

Tác giả

William B. Irvine

Dịch giả

Nhóm Tâm lý học tội phạm

Format

Ebook, Epub

Thể loại

Tâm Lý Học

Số trang

372

NXB

Công Thương

Năm xuất bản

2022