Mô tả
Bill Marriott – con trai của J.W. Marriott – lớn lên trong môi trường kinh doanh của gia đình, từ một cửa hàng nước ngọt không cồn, sau đó đi lên thành chuỗi nhà hàng Hot Shoppes và phát triển thành công ty khách sạn Marriott. Trong hơn 50 năm lèo lái công ty, Bill Marriott là nguồn động lực thúc đẩy Marriott trở thành chuỗi khách sạn toàn cầu lớn nhất thế giới.
Bill Marriott mang đến cho độc giả bức chân dung thân tình về cuộc đời của con người phi thường này trong lĩnh vực kinh doanh và định nghĩa của ông về thành công. Bill chia sẻ mọi chi tiết về việc cá nhân ông phải đấu tranh với những chỉ trích khắc nghiệt thâm căn cố đế của bố mình như thế nào; những đổi mới của ông trong ngành khách sạn ra sao; cũng như niềm đam mê và nguồn năng lượng vô tận ông dành cho công việc, gia đình và niềm tin.
TRÍCH ĐOẠN:
Nói về 10 nguyên tắc thành công của Bill Marriott:
“10 NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG CỦA BILL MARRIOTT:
1. Quan tâm tới những người gần gũi nhất với bạn, và họ sẽ quan tâm tới những người gần gũi nhất với họ.
2. Tôn vinh rộng rãi thành công của mọi người quanh bạn.
Lặng lẽ ăn mừng chiến thắng của riêng mình.
3. Tìm ra điểm mạnh của bản thân và phát triển nó.
4. Hành động ngay. Ưu tiên cho hành động.
5. Nói ít đi. Lắng nghe nhiều hơn.
6. Quan sát và hiện diện trước những người mà bạn muốn tạo ảnh hưởng. Hãy để họ nhìn thấy hành động của bạn và mở lòng với họ.
7. Hãy nhớ rằng thành công luôn nằm trong chi tiết.
8. Dùng người có phẩm chất phù hợp, dù họ không có trải nghiệm phù hợp.
9. Ở cạnh những người thông minh hơn mình.
10. Hãy coi mỗi vấn đề là một cơ hội để phát triển; đừng bao giờ bỏ cuộc!”
Nói về mâu thuẫn dai dẳng giữa Bill và cha:
“Bill càng nhận thêm nhiều trách nhiệm trong công ty, J.W. càng mắng mỏ anh nhiều hơn. Mâu thuẫn trở nên rõ ràng hơn khi J.W. tới thanh tra khách sạn Key Bridge gần hoàn thiện của Bill vào cuối tháng 3 năm 1959. “Tôi đã làm việc 24/7 suốt nhiều tháng để khách sạn được khai trương,” Bill nhớ lại. “Trong đời chưa bao giờ tôi làm việc vất vả đến thế. Vậy mà cha tôi bước vào một căn phòng và nhìn chằm chằm vào đống mành cửa, vốn rất lùng nhùng và nặng. Và rồi ông ấy bắt tôi xử lý nó.”
“Thằng ngốc nào lại để tấm mành cửa này ở đây vậy?”
“Con đấy,” Bill trả lời.
“Sao con lại làm thế?”
Ngay cả sau nhiều năm sống với người cha dè sẻn lời khen và hay săm soi, Bill vẫn sốc. J.W. không hề đưa ra lời khen nào về vẻ đẹp của khách sạn hay đồ nội thất của nó. “Tôi đã làm việc suốt gần ba năm để thiết kế, xây dựng, tuyển dụng, khai trương khách sạn này, vậy mà cha cứ thế đi qua khách sạn chẳng nói chẳng rằng – nhưng rồi khi nhìn thấy chỗ mành cửa thì ông lại nổi khùng lên. Vì thế tôi cũng khùng. Tôi chẳng việc gì phải chịu đựng cả.””
“J.W. có những cảm giác hết sức phức tạp về con trai và người kế nghiệp công ty. Ông tự hào, và sâu thẳm bên trong ông phải thừa nhận rằng Bill đã đặt công ty lên một quỹ đạo có lợi nhuận mà bản thân J.W. không có đủ ý chí cũng như tầm nhìn để thực thi. Thường thì sau khi Bill nhận được sự chú ý hoặc tán dương từ báo chí, J.W. lại gây sự.
Bill trở nên nhạy cảm với thực tế đó, và mỗi khi có thể, anh lại đặt cha mình tại tâm điểm của những sự kiện như khai trương khách sạn. J.W. thích ánh đèn sân khấu còn Bill thì không, vì vậy điều đó hợp với cả hai. Khi J.W. phản đối ý kiến nào đó của Bill, nếu Bill đã chờ đợi đủ lâu, J.W. thường đến gần và thậm chí còn khen ngợi anh.”
Nói về tai nạn thập tử nhất sinh của Bill:
“Khoảng 9 giờ 40 phút sáng, để kiểm tra đồng hồ xăng, Bill mở khóa điện. Tiếng nổ đột ngột vang lên làm rung chuyển cửa sổ và khung cửa tất cả các ngôi nhà gần đó. Maxwell nhìn thấy một quả cầu lửa ngay lập tức nhấn chìm Bill, và ông cho rằng đó là dấu chấm hết với ông chủ của mình. Một cách kỳ diệu, bên trong con tàu, Bill vẫn còn tỉnh táo, nhìn chằm chằm vào chiếc quần và bàn tay mình đang bốc cháy. Thay vì đầu hàng cú sốc ban đầu, ông nghe thấy một giọng nói lớn: “Nhảy khỏi tàu đi.” Vẫn còn bắt lửa, ông cố gắng nhảy khỏi boong tàu xuống làn nước lạnh giá. Ông vòng qua phía sau nhà thuyền rồi lên bờ.”
“Angie vô cùng bình tĩnh khi chăm sóc Bill. “Con biết chúng ta không thân quen đến vậy, nhưng chúng con sẽ phải cởi bỏ quần áo của chú,” cô nói với ông bằng giọng vững vàng. Khi ông rên rỉ vì đau, cô cởi chiếc áo len cổ chữ V nặng nề, ẩm ướt đã bảo vệ phần thân trên của ông nhưng giờ lại có nguy cơ gây thương tổn nhiều hơn, vì nó giữ lại lượng nhiệt rất lớn. Một phần tóc, toàn bộ lông mày và lông mi của ông đã cháy rụi. Chiếc quần chơi golf bằng polyester của ông đã cháy gần hết, chỉ còn một vài mảnh vải vụn sót lại quanh thắt lưng.”
Nói về thời điểm khủng hoảng trong cuộc đời Bill khi bị tai nạn và hay tin người nhà đều gặp nạn:
“Thời điểm tinh thần Bill sa sút nhất, sau khi ông đến bệnh viện khoảng một tuần, không liên quan gì đến cơn đau liên tục của ông, mà là ngày Dick gọi điện báo tin dữ. Allie gặp một tai nạn nghiêm trọng. Bà đang bước ra khỏi hiên sau ngôi nhà bên hồ để cho chú chó săn lông vàng Rusty của mình ăn thì bị ngã đè lên con chó và rạn xương chậu. Dick sẽ đưa bà về nhà ở Washington, D.C. để dưỡng thương. Bill nhớ lại: “Tôi thì nằm trong bệnh viện Đa khoa Massachusetts vì bị bỏng. Cha thì đã mất một tuần trước đó. Giờ đến mẹ bị rạn xương chậu. Lúc này, chỉ còn Dick là có thể đi lại.”
Stephen từ Phoenix đến thăm cha vào thời điểm đó và đã viết trong nhật ký của mình: “Cha ổn cả. Ông đang rất đau đớn, sụt mất khoảng 10kg và rất yếu. Cha cũng già đi nhiều. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết ông đang tiến triển tốt.” Stephen thấy cha mình rất đặc biệt, không bao giờ phàn nàn về tai nạn hay nỗi đau. Ông không chịu suy sụp. Nhưng cuối cùng ông cũng đã rơi lệ trong giây phút nghe tin mẹ mình bị tai nạn, đó chính là tình cảm sâu sắc của Bill. Stephen ghi lại với sự ngưỡng mộ: “Lần duy nhất tôi thực sự thấy cha khóc là khi chúng tôi ở cùng nhau trong bệnh viện và cha biết tin bà nội bị ngã gãy xương chậu. Trong khi đó, ông chẳng hề khóc vì chính mình.”
Nói về tầm nhìn của Bill trong kinh doanh khách sạn:
“Bắt đầu từ những năm 1950, Bill đã có tầm nhìn về việc kinh doanh thông qua các cuộc họp, hội thảo và hội nghị tại những khách sạn ngoại ô của ông. Đến cuối năm 1985, ông đã có những khách sạn lớn ở năm thành phố hội nghị hàng đầu và hàng chục khách sạn hội nghị ở các nơi khác. Không phải lúc nào Bill cũng xây dựng một khách sạn bề thế để thu hút các hội nghị lớn. Tại Miami và San Antonio, ông liên kết các khách sạn của mình với nhau và với khách sạn của đối thủ cạnh tranh để tạo ra những khu phức hợp xứng tầm với hội nghị.”
“Đến cuối năm 1991, Marriott đã trở thành một công ty khác hẳn. Thời cơ đòi hỏi Bill phải chuyển từ xây dựng khách sạn sang mua lại các khách sạn đang gặp khó khăn. “Thời điểm khó khăn mang lại những cơ hội tốt cho các công ty mạnh”, ông khuyên các nhà điều hành cấp cao hồi đầu cuộc khủng hoảng. “Có rất nhiều khách sạn được bán với giá thấp hơn giá trị, và chúng tôi cần tìm ra chúng.” Ít nhất nửa tá khách sạn đã được mua lại. Trong mỗi trường hợp, doanh thu được cải thiện đáng kể dưới thương hiệu Marriott. Bill cũng tập trung vào việc mua lại hợp đồng quản lý từ các đối thủ cạnh tranh, một quá trình được gọi là “đổi cờ hiệu”. Trong thời kỳ khủng hoảng, có ít nhất 16 bất động sản vẫn giữ nguyên chủ sở hữu nhưng cờ hiệu được đổi thành Marriott.”
ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT:
– Với cuốn tiểu sử Bill Marriott này, độc giả sẽ cùng gia đình Marriott trải qua mọi cung bậc cảm xúc cùng những câu chuyện lần đầu được tiết lộ về cuộc sống cũng như con đường đưa BilL Marriott trở thành một trong những tượng đài kinh doanh ngành khách sạn trên thế giới. Ông không chỉ là một nhà kinh doanh có tầm nhìn chiến lược mà còn là một con người giàu lòng nhân ái, giàu nghị lực và vô cùng quyết đoán. Chính những đức tính đáng trân quý này đã giúp ông đưa cái tên Marriott vươn xa toàn cầu.
– Độc giả sẽ có được khoảng thời gian thú vị khi khám phá, tìm hiểu những chi tiết hấp dẫn về những thành công và thất bại trong các dự án kinh doanh của Bill và liên quan đến những thách thức của ông trong việc cân bằng các vai trò như một giám đốc điều hành, một người chồng và người cha, và một người đàn ông có đức tin. Từ việc đầu tư mạo hiểm trị giá nửa tỷ đô-la và việc đầu tư xây dựng khách sạn Marriott Marquis ở New York, đến nỗi đau mất mát đau lòng của một đứa con trai trưởng thành có cơ thể thoái hóa dần do bệnh ty thể, đến hàng tỷ đô-la được quyên góp cho nghiên cứu y tế tiểu sử của Bill Marriott kể về câu chuyện đáng chú ý của một người đàn ông có tầm nhìn tạo ra một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la, người hiểu được sức mạnh của sự cho đi và sống với niềm tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp nhưng thành công không bao giờ là đích đến cuối cùng.
– Thông qua lối kể chuyện cuốn hút đồng thời vô cùng chi tiết, cặn kẽ, độc giả sẽ có được cái nhìn đầy đủ và toàn diện về con đường sự nghiệp của Bill Marriott cũng như hiểu vì sao ông có được thành công như ngày hôm nay.
– Độc giả cũng sẽ có được nhiều bài học về kinh doanh khách sạn thông qua nhiều bài học về tầm nhìn chiến lược, đạo đức kinh doanh được tác giả khéo léo lồng ghép qua những câu chuyện đời thực của chính Bill Marriott.
VỀ TÁC GIẢ:
DALE VAN ATTA là một trong những nhà văn, nhà báo ăn khách bậc nhất của tờ New York Times, từng năm lần được đề cử giải Pulitzer. Trong suốt hơn một thập kỷ, cùng với Jack Anderson, ông là đồng tác giả của chuyên mục tin tức liên kết rộng rãi nhất thế giới; chuyên mục hằng ngày của họ xuất hiện trên tờ Washington Post và gần 1.000 tờ báo khác, tiếp cận tới 50 triệu độc giả.
Ông là một biên tập viên lưu động kỳ cựu của tạp chí Ridear’s Digest và có bài viết được đăng tải trên nhiều ấn phẩm khác của Mỹ. Ông đã phỏng vấn hàng loạt tổng thống Mỹ, các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, các lãnh đạo kinh doanh và quân sự, kể cả khủng bố và gián điệp.
***
KHÔNG GIAN TĨNH LẶNG. Tĩnh lặng đến mức nguy hiểm.
Nhưng không ai trên vùng hồ Winnipesaukee xinh đẹp có thể ngờ đến mức độ nguy hiểm của sự tĩnh lặng trong buổi sáng thứ Bảy yên ả năm 1985 đó đối với một trong những cư dân mùa hè nổi nhất vùng này, Bill Marriott.
Bill đã nghỉ hè ở vùng hồ rộng nhất New Hampshire được bốn chục năm. Cha ông, người sáng lập chuỗi nhà hàng Hot Shoppe rộng lớn, mang cả gia đình tới đây từ những năm 1940. Dòng họ Marriott có lý khi coi nơi đây là chốn thiên đường hạ giới. Bằng chứng là đây là nơi duy nhất mà Bill, ở tuổi 53, cảm thấy thực sự thư giãn khi ở đây. Công ty trị giá 3,5 tỷ đô-la của ông có 140.000 nhân sự trên toàn thế giới. Ông đã xây dựng hoặc mua lại 144 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, biến Marriott thành chuỗi khách sạn lớn nhất ở Mỹ do công ty sở hữu. Còn hàng chục khách sạn nữa đang được thiết kế hoặc xây dựng. Thêm vào đó là 90 nhà bếp phục vụ 150 hãng hàng không trên thế giới, hơn 1.400 nhà hàng, cung cấp dịch vụ cho 1.400 khách hàng là căng tin trường đại học, bệnh viện và công ty.
Cha của Bill, ông J. Willard, đã sống để chứng kiến những thành công này và bình thản qua đời ở tuổi 84 sau khi dự bữa tiệc nướng bên hồ với gia đình vào ngày 13 tháng 8, mùa hè năm đó. Tang lễ được trang trọng tổ chức tại Washington D.C, với điếu văn từ những nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng thống Richard Nixon và mục sư Billy Graham. Đến ngày 24 tháng 8, hầu hết các thành viên trong gia đình Marriott đều vừa từ Washington trở về khu nhà nghỉ hè nằm trên bờ hồ phía bắc.
Một sự kiện quan trọng khác đã được ấn định vào ngày Chủ nhật. Toàn bộ gia đình đều là thành viên của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus (hay còn được gọi là Giáo hội Mặc Môn). Cộng đồng Thánh hữu Ngày sau ở Wolfeboro xung quanh khu hồ ngày một mở rộng qua thời gian và cuối cùng cũng đủ tiêu chuẩn để có nhà nguyện riêng, vừa mới khánh thành hồi tháng 6. Một người bạn thân của gia đình, Elder Boyd K. Packer, thành viên của Nhóm Túc số Mười hai Vị Sứ đồ, đã hứa với J.W. trước khi cụ qua đời là sẽ hiến tặng riêng cho nhà nguyện. Sau khi phát biểu tại đám tang của cụ J.W., ông cùng gia đình ở tại vùng hồ từ thứ Sáu, chờ đợi lễ hiến tặng ngày Chủ nhật.
Đối với Allie, người mẹ mới trở thành góa bụa của Bill, được ở cạnh một vị sứ đồ là một niềm an ủi lớn lao về mặt tinh thần cũng như một vinh dự đặc biệt. Khi cụ Packer nói muốn đi thuyền vào sáng thứ Bảy, Bill cảm thấy rất vui khi được đáp ứng yêu cầu này. Với ông, ít có khi nào vui hơn lúc lái con tàu Donzi Express màu xanh nhạt trên mặt hồ lấp lánh nắng, tăng tốc hơn 80km một giờ. Những cơn gió liên miên trong ngày khiến mặt hồ nổi sóng bạc đầu, nhưng buổi sáng thứ Bảy đó thật hoàn hảo. Trời mát, hiu hiu gió khiến Bill phải mặc một chiếc áo len.
Sau bữa sáng, ông đi xuống nhà thuyền hai bến đỗ để chuẩn bị chiếc Donzi. Lúc đó là hơn 9 giờ 30 phút sáng, và thường thì ba đứa cháu nhỏ của Bill đã lố nhố trên tàu, mong mỏi được gặp ông. Nhưng sáng hôm đó, Debbie, con gái của Bill, đã giữ chúng lại khi chúng vừa mặc áo phao. Roger Maxwell, vừa là bạn vừa là khách, tay chơi golf chuyên nghiệp kỳ cựu ở một khu nghỉ dưỡng Marriott, từ bãi cỏ đằng sau nhà bước ra và thấy Bill đang bơm xăng từ bể chứa bên cạnh bến.
Chiếc vòi nối liền với một đường ống chạy từ máy bơm xăng mà nhà Marriott lắp gần như chỉ để đổ xăng cho xe của gia đình. Đổ xăng là việc thường nhật của Bill, nhưng buổi sáng hôm đó quá tĩnh lặng, không có gió để xua tan khói xăng, và hơi xăng đã nhỏ vào tàu. Bill không ngửi thấy mùi tích tụ, cũng không biết công tắc đánh lửa của tàu bị lỗi. Khi ông bật công tắc lên để kiểm tra mức xăng, một tia lửa đã bắt xăng.
Vụ nổ khiến cửa sổ văng khắp bờ hồ, và dường như ngọn lửa đã nuốt trọn lấy Bill trong chớp mắt. Bill chắc không thể sống sót. Nhưng rồi, chỉ trong giây lát, Maxwell, nhân chứng duy nhất, nhìn thấy bạn mình lảo đảo bước qua chỗ nước cạn đi vào bờ.
Báo chí nói rằng Bill bị thổi văng khỏi tàu. Nhưng với Bill, người thực sự ở trong đám lửa đó, một phép màu đã xảy ra. Giữa ngọn lửa bùng lên, ông nghe thấy một giọng nói rõ ràng: “Nhảy khỏi tàu đi!”. Thay vì choáng đến sững sờ, ông đã nhảy xuống hồ.
Nghe thấy tiếng phụt của vụ nổ xăng, vợ Bill, Donna, và John con trai ông đã lao ra khỏi nhà và thấy con tàu chìm trong biển lửa. Họ nghĩ Bill khó sống sót. Rồi họ nhanh chóng thở phào nhẹ nhõm khi Bill loạng choạng bước lên từ hồ, da ám khói đen sì, hai bàn tay lủng lẳng, như lời một nhân chứng, trông giống như “quái vật đầm lầy đen”.
Trong nhà, bạn gái của John là Angie đang tắm khi vụ nổ xảy ra. Nhìn qua cửa sổ hướng ra bờ nước, cô thấy Bill trồi lên khỏi mặt hồ. Cô nhanh trí hành động, nhảy ra khỏi nhà tắm, giật lấy mấy tấm ga phủ giường, đem vào nhà tắm nhúng sũng nước. Xỏ vội chiếc áo thun và quần đùi, cô lao ra khỏi nhà trong chưa đầy một phút, nhảy bổ xuống sân về phía Bill, lúc này vừa đổ vật xuống bãi cỏ còn Donna và John thì đang chăm sóc cho ông. Chiếc quần chơi golf bằng vải polyester của Bill bị đốt cháy, còn vài mảnh dính trên da, trong khi chiếc áo len, vẫn còn nóng, đã giúp ông không bị bỏng phần thân trên. Lột chiếc áo ra, Angie dùng mấy tấm vải ướt quấn lấy người ông.
Ai đó đã gọi xe cứu thương, nhưng để chạy qua được thị trấn nghỉ dưỡng Wolfeboro đông nghẹt xe cộ sẽ rất mất thời gian. Maxwell vác Bill đang run rẩy vì sốc vào xe và phóng nhanh qua 11km đường làng tới Bệnh viện Huggins. Các bác sĩ và y tá đã được báo động về tình trạng bỏng độ ba trên khắp cơ thể ông cũng như khả năng khói và lửa đã nung khô phổi ông.
Cụ bà Allie, mẹ của Bill, nhanh chóng tới cùng Donna, Debbie và cụ Packer trên chiếc xe đuôi dài của gia đình. Vẫn sợ Bill không thể qua khỏi, gia đình nhờ vị sứ đồ ban phước giới giáo cho Bill, bằng cách xức dầu thánh và đặt tay lên đầu ông. Cụ Packer được truyền cảm hứng tới mức cam đoan Bill chẳng những sẽ sống sót mà còn lành lặn. Cụ còn quả quyết tuyên bố tai nạn này mang một mục đích thần thánh bí ẩn nào đó chưa biết, ngoài phép màu giúp ông sống sót.
Trong suốt những tuần hồi phục đầy đau đớn, Bill có thời gian để suy ngẫm về sự kiện đổi đời này. Ông vốn có một niềm tin mãnh liệt về Chúa, về sự hi sinh mang tính chữa lành của Chúa và về sự thật của Nhà thờ mang danh Đấng Cứu Thế. Ông biết chắc mình đã được cứu sống một cách kỳ diệu, rằng ông đã được dõi theo từ trên cao, rằng ông có một vị trí quan trọng trên đời và gánh trên vai một sứ mệnh bao gồm gia đình riêng, bạn bè, nhà thờ và đại gia đình Marriott.
Trong số những lời chia buồn mà ông nhận được sau cái chết của cha trước đó gần hai tuần, có một bức thư vô cùng sâu sắc đến từ người bạn của gia đình, Coretta Scott King. Người vợ góa của Mục sư Martin Luther King, Jr., viết: “Tôi cầu Chúa sẽ cứu anh và giúp anh chấp nhận ý nguyện của Người, vì mọi sự hiệp lại đều vì điều tốt, dành cho những ai yêu mến Chúa và được gọi theo ý Người đã định.”
Cho đến thời điểm đó, cuộc đời Bill chưa bao giờ dễ dàng. Với ông, kinh doanh vẫn luôn là một chiến trường khốc liệt với đối thủ, biến động giá cả, thị trường lao động, quy định của chính phủ và nền kinh tế bấp bênh. Bao trùm lên tất cả là ngọn lửa dữ dội nhất – tính khí nóng như lửa của người cha ra đời vào thời kỳ Đại Suy thoái, nỗi sợ nợ nần đã khiến ông cụ phản đối rất nhiều quyết định táo bạo mà Bill phải đưa ra để xây dựng đế chế Marriott.
Bây giờ thì chỉ còn một mình ông. Bill không thể biết những năm tháng đầy thách thức phía trước sẽ bao gồm sự tăng trưởng bùng nổ của thập niên 1980; một đợt suy thoái đến mức tê liệt và thị trường chứng khoán Nhật Bản sụp đổ vào đầu những năm 1990 suýt làm ông mất công ty; một vấn đề sức khỏe cá nhân khiến ông suýt mất mạng; những thách thức của một thế giới hậu 11/9, khi khách sạn Marriott của ông nằm giữa tòa tháp đôi bị xóa sổ; và nhiều chuyện khác nữa.
Ông không thể biết rằng rồi có một ngày số khách sạn Marriott lên tới hơn 7.000, và ông trở thành người kinh doanh khách sạn lừng danh số một thế giới. Nhưng những gì ông biết vào ngày hôm đó của năm 1985 đã là quá đủ. Ông biết Chúa yêu mến ông, rằng gia đình và bạn bè yêu mến ông, và nhân viên ghi nhận sâu sắc khả năng lãnh đạo của ông.
Sau này, ông nói về ngày hôm đó: “Tôi nóng lòng muốn quay trở lại ngay với công việc.” Ông học được một bài học từ cha mình rằng cuộc đời an nhàn là kẻ thù của sự phát triển, đối với cá nhân cũng như đối với công ty – giống như Bill thường nói: “Thành công không bao giờ có hồi kết.”
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.