Mô tả
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Đường Hẹp Lên Miền Bắc Thẳm của tác giả Richard Flanagan & Nguyễn An Lý (dịch).
CUỐN TIỂU THUYẾT ĐƯỢC HỘI ĐỒNG TRAO GIẢI MAN BOOKER 2014 ĐÁNH GIÁ LÀ KIỆT TÁC!
Trong sự kiệt quệ và tuyệt vọng của một trại tù binh Nhật Bản trên tuyến đường sắt tử thần Thái Lan-Miến Điện năm 1943, bác sĩ phẫu thuật người Úc Dorrigo Evans bị ám ảnh bởi mối tình với người vợ trẻ của dượng mình hai năm trước đó. Cuộc sống của anh là một cuộc chiến hằng ngày để cứu những người dưới quyền khỏi chết đói, khỏi dịch tả, khỏi những trận đòn tàn nhẫn. Thứ cứu rỗi chính anh, đôi khi, trong những ngày tháng ấy, chỉ là những ký ức ngắn ngủi về một đóa hoa trà, một đôi mắt xanh màu lửa ga, một mối tình khắc cốt ghi tâm nhưng bất khả.
Richard Flanagan thể hiện trong Đường hẹp lên miền Bắc thẳm một tài năng tuyệt xảo đã đưa ông trở thành một trong những nhà văn đương đại được hoan nghênh nhất. Di chuyển khéo léo qua lại từ địa ngục trại tù của Nhật thời Thế Chiến II đến cảnh đời thường của nước Úc ngày nay, từ ngoại cảnh khủng khiếp đến nội tâm phức tạp và tinh vi, thiên tiểu thuyết đẹp một cách tàn khốc này đã kể một câu chuyện khác thường về nhiều dạng thức của tình yêu và cái chết, chiến tranh và sự thật, cái đẹp và nỗi kinh hoàng.
“Một tiểu thuyết tráng lệ về tình yêu và chiến tranh… Giải Man Booker vốn luôn được trao cho những cuốn sách rất hay, nhưng năm nay nó đã được trao cho một kiệt tác.”
— A.C. Grayling, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo giải Man Booker 2014
***
Nói thật lòng thì đây với mình là một cuốn sách tương đối là khó đọc. Ai nếu đọc sách với mục đích thuẩn túy giải trí chắc sẽ bỏ chỉ sau 10 trang là cùng. Thế nhưng cũng thật lòng mà nói, đây chắc chắn là cuốn hay nhất mà mình đã đọc trong vài năm gần đây.
Câu chuyện xoay quanh bác sĩ Dorrigo Evans, một người được xưng tụng là anh hùng thời chiến của nước Úc nhưng bản thân ông thì lại luôn coi mình không xứng đáng với những cái đó. Ông gần như không ngừng lao vào vô số những mối tình ngoài luồng bất chấp người vợ mẫu mực và chung thủy đã chờ đợi ông trở về suốt 7 năm trong thế chiến II. Thông qua những hồi tưởng về thời trai trẻ của Dorrigo, độc giả mới dần hiểu được nỗi ám ảnh của ông về mối tình tuyệt đẹp bị cấm đoán với Amy (người mà Dorrigo ngẫu nhiên bắt gặp trong hiệu sách và sau này cũng ngẫu nhiên thay lại trở thành vợ người chú dượng của anh), và chứng kiến phần đời khủng khiếp của ông trong trại tù binh Nhật đi xây dựng tuyến đường sắt tử thần Xiêm-Miến. Nhờ những hồi tưởng về Amy mà Dorrigo mới có đủ sức mạnh sống sót thoát khỏi chốn địa ngục trần gian. Ở phần kết, tác giả đi sâu vào mô tả cuộc sống của những cựu binh từ cả hai phe sau chiến tranh, và những nỗi đau khó có thể hàn gắn của Dorrigo.
Thuyết định mệnh dường như xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Độc giả dễ bắt gặp những hình ảnh như hạt bụi, đàn cá bạc bị cuốn theo ngọn sóng v..v… thể hiện sự bất lực của con người khi bị những sự kiện lớn lao cuốn phăng. Nếu xem kĩ những phân đoạn viết về cuộc sống trong trại tù binh Nhật thì quả thực ta sẽ thấy mạng người quá là nhỏ bé trong thời đại đó.
Hình tượng từng nhân vật Úc đều được chăm chút rất cẩn thận, kể cả nhân vật phụ. Thực tế thì khi đọc cuốn này mình thấy những nhân vật phụ trong đoạn viết về trại tù binh Nhật lại còn ấn tượng hơn cả nhân vật chính. Điều này có lẽ là chủ ý của tác giả, vì trong bối cảnh đó bản thân Dorrigo dù là bác sĩ và chỉ huy nhưng gần như chẳng thể làm được gì để cứu lấy mạng sống những người xung quanh. Nó khiến cho cảm giác của Dorrigo khi về già rằng xã hội đang trọng vọng mình quá mức trở nên có cơ sở. Hơn nữa, tác phẩm cũng không tâng bốc Dorrigo hay bất kì nhân vật nào trở thành hình mẫu lý tưởng, mà chỉ đơn giản là những người bình dị mà thôi.
Các nhân vật sĩ quan Nhật và Triều Tiên trông coi trại tù được khắc họa đơn giản hơn. Tuy thế, nó đem tới một cái nhìn tương đối mới mẻ rằng chính những người này cũng là nạn nhân của cuộc chiến dù là theo một cách khác. Họ cũng chỉ là công cụ cho những thế lực lớn lao hơn, và sau đó đánh mất cả nhân tính của mình.
Điểm đặc sắc nhất với riêng mình trong tác phẩm này có lẽ là dịch thuật của Nguyễn An Lý. Dịch giả này thì chắc trong cộng đồng đọc sách nhiều người đã biết rồi. Ban đầu khi đọc mình hơi “gợn” vì dịch giả dùng nhiều từ địa phương miền Nam quá (thí dụ: cô ấy-> cổ, hồi năm ấy -> hồi nẳm). Nhưng ở những đoạn mô tả tâm lý nhân vật hay cuộc sống trong trại tù thì đúng là không chê vào đâu được, thậm chí còn thi vị hơn cả bản gốc. Nó giống một bản giao hưởng hoành tráng với vô số cảm xúc và màu sắc. Trong đó có cả sự lãng mạn, sự thô ráp, sự cổ kính, tính hiện đại, thậm chí những chỗ cần phải dịch sao cho trần trụi nhất thì đều đã truyền tải được trọn vẹn. Cái lạ ở đây là nếu mình tự dịch cuốn này thì có lẽ sẽ gần như … không có câu nào giống như An Lý cả. Thành ra với mình đây là một bản dịch có kiểu giọng văn rất mới, mà nó lại mang đậm cả dấu ấn riêng khó lẫn của người dịch.
Thích điều này:
Thích Đang tải...
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.