Skip to content Skip to footer
-75%

Mã 612 – Ai Đã Giết Hoàng Tử Bé?

Giá gốc là: ¥800.Giá hiện tại là: ¥200.

Liệu có ai từng tự hỏi: “Ai đã giết Hoàng tử bé?” Saint-Exupéry đã không tiết lộ danh tính kẻ sát nhân trong cuốn sách của mình, và vài tháng sau khi cuốn sách được ra mắt, chính ông cũng biến mất một cách đầy bí ẩn…

Ma 612 – Ai Da Giet Hoang Tu Be – demo

Mô tả

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Mã 612 – Ai Đã Giết Hoàng Tử Bé? của tác giả Michel Bussi & Nguyễn Thị Tươi (dịch).

“Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.” – Hoàng tử bé, Antoine de Saint-Exupéry

Hoàng tử bé, câu chuyện kỳ lạ mà hấp dẫn, là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất chỉ sau Kinh Thánh và là một trong số những cuốn sách bán chạy hàng đầu thế giới. Hình ảnh cậu hoàng tử nổi tiếng toàn cầu với mái tóc vàng óng như lúa mì, biến mất vì bị một con rắn cắn… Nhưng liệu rằng sự thật có đơn giản như vậy? Liệu có ai từng tự hỏi: “Ai đã giết Hoàng tử bé?” Saint-Exupéry đã không tiết lộ danh tính kẻ s.á.t nhân trong cuốn sách của mình, và vài tháng sau khi cuốn sách được ra mắt, chính ông cũng biến mất một cách đầy bí ẩn.

“Mã 612 – Ai Đã Giết Hoàng Tử Bé?” lần tìm những giải thuyết, những kẻ tình nghi và cả động cơ để cuối cùng hé lộ sự thật bất ngờ về bí mật của Saint-Exupéry cùng cuốn sách đậm tính triết học và chứa đầy ẩn ý của vị nhà văn-phi công.

Trong biết bao cuốn sách là nguồn cảm hứng cho Michel Bussi, Hoàng tử bé với thế giới đậm chất thơ cùng thông điệp đầy tính nhân văn đã tưới tắm trí tưởng tưởng của nhà văn ngay từ thuở đầu viết sách. Để tỏ lòng tri ân, Michel Bussi cho ra mắt “Mã 612 – Ai Đã Giết Hoàng Tử Bé?” , kỷ niệm 75 năm ngày ra mắt Hoàng tử bé. Một cuốn sách không thể bỏ qua với những ai yêu mến câu chuyện và tác giả của nó, cùng phong cách đặc trưng của Michel Bussi: thi vị, hấp dẫn và đầy bất ngờ.

***

Michel Bussi

Sinh năm 1965, là nhà văn trinh thám người Pháp, nhà phân tích chính trị, giáo sư địa lý tại đại học Rouen. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương trong những năm 1990, từ đó liên tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, giành nhiều giải thưởng danh giá như Michel Lebrun dành cho Tiểu thuyết trinh thám hay nhất năm 2011, giải Gustave Flaubert dành cho Tiểu thuyết hay nhất năm 2011, giải Maison de la Presse và giải Tiểu thuyết hay năm 2012, giải Tiểu thuyết hay viết về đảo năm 2013,… Theo tờ Le Figaro, ông là một trong năm nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2021 tại nước này.

***

❝Bên dưới vẻ bề ngoài của một câu chuyện cổ tích, đây là một bản di chúc mà chỉ vài người có thể hiểu được.❞
Đó là lời Saint Exupery nói khi cố gắng xuất bản cuốn sách nổi tiếng được dịch hơn ba trăm thứ tiếng, khi các nhà xuất bản đã từ chối vì không nghĩ một người nghiêm túc như ông lại viết một cuốn sách cho trẻ con. Chắc hẳn ai cũng đều nghe qua và đọc cuốn sách rất nổi tiếng với hình minh hoạ trông vui nhộn của chính tác giả này rồi. Tớ cũng vậy, tớ đã đọc Hoàng Tử Bé lần đầu năm 7 tuổi, rồi sau này tiếp tục đọc bằng tiếng Việt 4 lần, tiếng Nhật 2 lần và tiếng Anh 1 lần trước khi đọc sang các tác phẩm “nghiêm túc người lớn” khác của ông. Mặc dù tớ thích Bay Đêm và Chuyến Thư Miền Nam hơn một chút, nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa thực sự của Hoàng Tử Bé và số phận của chính tác giả lại là thứ làm tớ luôn căng thẳng, khó chịu vì muốn hiểu được tường tận hết.
Chia sẻ một chút rằng tớ chưa từng đọc tác phẩm nào của Michel Bussi, cũng không hiểu sao không có điều gì thôi thúc tớ đọc, mặc dù mọi người khen Hoa Súng Đen khá nhiều. Nhưng bởi Hoàng Tử Bé trong lòng tớ luôn là một bí ẩn, nên tớ cũng rất muốn đọc cuốn Mã 612 này. Hôm Nhã Nam tổ chức toạ đàm ở Thư Viện Quốc Gia, nhân dịp Bussi tới Việt Nam, tớ đã được nghe Bussi nói về lòng yêu thích của bản thân bác với cuốn sách nổi tiếng của Saint Ex. Sau buổi đó tớ có thiện cảm rất lớn với nhà văn trinh thám người Pháp này, mặc dù vẫn chưa đọc một cuốn nào của bác. (Tớ sẽ kể một câu chuyện đáng yêu hôm đó dưới bình luận.) Dù sao, với người đã đọc nhiều lần Hoàng Tử Bé và khóc vì nó, tớ rất vui vì gặp được một trái tim đồng điệu. Có lẽ chính vì thế nên khi đọc Mã 612, tớ đã khóc rất nhiều..
Mong mọi người sẽ đọc thêm những điều tớ nói về cuốn Mã 612 và câu chuyện hôm gặp bác Bussi dưới phần bình luận. 👇🏻

[I]
Những thông tin trong sách không phải những điều quá mới lạ với tớ, nhưng tớ nghĩ sẽ rất mới và thú vị với những ai chưa tìm hiểu về Saint Exupery và thích Hoàng Tử Bé. Có lẽ đây là một cuốn sách bác Bussi viết để thoả mãn chính bản thân mình về những suy nghĩ mãi tồn đọng về Hoàng Tử Bé, để tri ân nhà văn yêu thích của bác, và để tìm kiếm những trái tim đồng điệu – những người luôn đau đáu trăn trở về bí ẩn củ Hoàng Tử Bé và chính Saint Ex. Hôm ở toạ đàm, Bussi có nói có lẽ mọi người nên đọc Hoàng Tử Bé trước, đọc Mã 612 trước cũng không sao nhưng sau đó hãy đọc Hoàng Tử Bé. Tớ cũng nghĩ vậy, vì nếu đọc Hoàng Tử Bé trước, mọi người sẽ nhận ra những điều thú vị trong cách xây dựng các nhân vật, các địa danh trong cuốn sách này của Michel Bussi.

Đối với tớ, Mã 612 rất buồn. Tớ đã bị Bussi lừa từ đầu cho tới cái plot twist, mặc dù cái plot đó nhạt. Tớ khóc vì các nhân vật, tớ khóc vì tưởng như họ đã bất hạnh rồi, lúc nào cũng ôm mãi sự cô đơn như những người trên các tiểu hành tinh mà Hoàng tử bé đi qua, lại phải nhận lấy cái kết cục bi thương như thế. Tớ khóc vì tớ thương những trái tim luôn mong ngóng câu trả lời, đặt nặng tình cảm vào một “cuốn sách trẻ con có hình minh hoạ màu nước”. Đối với người khác họ mắc kẹt trong trang sách, mắc kẹt trong suy tưởng và ám ảnh, mắc kẹt trong một nơi yên bình hạnh phúc – như Hoàng tử bé, dù có đi bao nơi đi chăng nữa thì trái tim cậu vẫn luôn bó buộc bởi bông hoa hồng đỏng đảnh duy nhất ấy.

Bussi tạo ra những nhân vật vẻ như thực tế hơn những người trên các tiểu hành tinh tròn HTB, nhưng nỗi đau khổ của họ thì vẫn vậy. Tớ nghĩ, nỗi đau sẽ là thứ tồn tại đè nặng trái tim mỗi người dù họ có là ai đi nữa, kiểu nỗi cô đơn đau đớn trần trụi nhất ấy. Tại sao người lớn phải xếp loại các nỗi đau như thế? Cũng như vậy với tình yêu, tại sao người lớn lại xếp loại tình yêu như thế? Tớ ấy, tớ cũng thương cáo, vì đã tới và được cậu hoàng bé thuần hoá, nhưng cũng chẳng sai trái nếu cậu đáp lại tình cảm của cáo. Cáo cũng rời đi rồi, cáo có mặt lúc cậu cần, cáo cũng đáng thương thôi.

[2]
Lúc đang viết những dòng này tớ lại đang khóc, chỉ bởi tớ thấy bực việc phải giải thích cái bí ẩn này ra. Tớ bực vì bất lực. Tớ muốn giữ tất cả những thứ khó làm rõ trong lòng rồi từ từ bóc tách từng lớp của nó. Tại sao một điều đẹp đẽ phải tồn tại thành hình thành khối để con người phán xét nhận định đánh giá nó? ❝Con mắt thường luôn mù loà trước điều cốt tử.❞ Cho nên hãy nhẹ nhàng một chút với những điều đẹp đẽ, đừng dễ dàng khiến nó bị đau đớn như thế ;.;

Tớ thích việc nặng lòng vì một điều nào đó mình chưa thấu hiểu rõ. Tớ cũng thích tình yêu. Dù có nhiều người không thích việc Hoàng Tử Bé đã thuần hoá cáo, hay như trong cuốn Mã 612 thì nhân vật chính Neven đã có tình cảm với người đồng nghiệp Andie của mình, mặc dù đã có một bông hồng hay là người vợ mình ở nhà chờ đợi. Tớ không ghét việc ngoại tình, mặc dù nếu tớ bị lừa dối thì tớ cũng rất buồn. Tớ đã từng bị lừa dối, nên có lẽ cũng hiểu được nỗi buồn ấy. Nhưng, tớ nghĩ một khi đã là tình, thì mặc dù nó tồn tại ở hình thức nào, dù có bị đánh giá vô đạo đức, nó vẫn là tình. Nhiều người có quan điểm con người hơn con vật ở việc biết suy nghĩ, có thể chia tay rồi bắt đầu mối tình mới chứ không việc gì phải ngoại tình như thế, cũng không sai. Nhưng tớ thấy việc là “ái tình”, thì ở loài động vật nào cũng thế, đó là lý do trong HTB ngoài cậu với ông phi công ra, không tồn tại bóng hình một con người nào khác.

Hoa hồng cũng biết yêu, cáo sa mạc cũng biết yêu, tại sao có thể đánh giá tình yêu của chúng không bằng con người được chứ? Tại sao hoa và động vật thì có thể yêu thật “tình”, mà con người lại không thể? Vì rào cản của pháp luật, đạo đức, hay đó chính là “người lớn”, là con người. Ngoại tình sai về mặt đạo đức và pháp luật, nhưng tại sao lại phủ nhận nó không phải “tình”? Ấy là tớ nói đến ngoại tình khi “tình” có tồn tại, về mặt cảm xúc. Chứ cảm nắng nhất thời hay mấy cái khác không nói tới.

Có lẽ vì cái yếu tố “tình” trong cả HTB và Mã 612 đẹp và buồn quá, nên tớ mới khóc lóc nghẹn ngào nhiều như thế..

[III]
Kể một chút về buổi toạ đàm giao lưu nhân dịp Michel Bussi về Việt Nam. Hôm đó tớ thấy được một nhà văn Pháp chứa trong lòng một tình yêu to lớn với văn học. Những điều bác chia sẻ đều sâu và kỹ, bác muốn giải thích hết tất cả những thứ muốn nói như cách bác viết vậy (ấy là tớ mới đọc Mã 612). Tớ đi cùng với chị @mi.reader và cả hai chị em đều cảm thán qua những điều bác nói đều thể hiện bác chú tâm với các tác phẩm, những đứa con của mình nhiều tới cỡ nào.

Ngoài lề thì tớ và chị Mi ngồi ngay thẳng bác từ sân khấu xuống, nên có lẽ bác nhìn thấy bọn tớ. Tớ còn đùa rằng có lẽ bác thích màu hồng (tớ nhuộm tóc hồng) nên mới nhìn tớ với chị Mi (rồi cười) nhiều z. (Hoặc do tui ảo tưởng :)))

Cuối buổi tọa đàm, bác có ở lại ký tặng sách mọi người. Một hàng rất dài, bác ký rất lâu vì mỗi người bác đều viết hoặc vẽ thêm chứ không chỉ là ký. Nhưng dù thế, tới gần lúc hết hàng, bác vẫn cười tươi rói, rất nhiều năng lượng, hơn cả một đứa U20 như tớ.

Tớ đợi hết hàng vì muốn đưa cho bác đọc những lời muốn nói của tớ, đã được gg dịch từ Việt sang Pháp. Đại khái là tớ chưa đọc tác phẩm nào của bác vì chưa có dịp, nhưng tớ đã thấy rất nhiều người quen khen sách bác. Nhưng khi Mã 612 xuất bản tớ đã hóng đọc thật sớm vì tớ cũng luôn trăn trở về cậu hoàng bé này, như thể tớ tìm được một người bạn tâm giao vậy. (đọc tới đó, bác Bussi nói cảm ơn và cười rất tươi) Hai câu cuối cùng là cảm ơn vì bác đã tới thăm Việt Nam, và thật tiếc rằng tớ lại quên đem một bông hồng cho bác. Bác lại cười tiếp, luôn miệng nói cảm ơn và hỏi sách tớ đâu để bác ký cho, vì bác để ý tớ và thấy tớ có cầm sách. Cơ mà tớ bảo sách được chị Mi đem lên ký từ đầu luôn rồi, bác bảo ồ hoá ra vậy á rồi chụp cùng tớ.

Một kỷ niệm khá vui, làm tớ có ấn tượng rất tốt với nhà văn người Pháp này :> Chắc chắn tớ sẽ đọc thử thêm sách của bác rồii.
Bài review và ảnh của bạn @minnbibliophiliaz trên IG

***

Mã 612 – Ai Đã Giết Hoàng Tử Bé?: Giải mã cái chết bí ẩn của nhà văn Saint-Exupéry

Chiều ngày 29/10, nhà văn Michel Bussi vừa có buổi giao lưu với bạn đọc tại Huế, nhân dịp tác phẩm Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé? của ông được phát hành tại Việt Nam. Đây là tác phẩm trinh thám đặc biệt, vừa hư cấu vừa dựa trên những dữ liệu có thật về cái chết của tác giả Hoàng tử bé – nhà văn Saint-Exupéry.

Tác phẩm có cách tiếp cận và thể hiện độc đáo của nhà văn Michel Bussi

Trong lời nói đầu tác phẩm, nhà văn Michel Bussi cho biết, tất cả những sự việc trong sách, những giai thoại về cuộc đời và vụ mất tích của Saint-Exupéry đều có thật.

“Ai đã giết Hoàng tử bé? Đây chính là ý tưởng dẫn dắt cuốn tiểu thuyết này: xem xét sự tương đồng kỳ lạ giữa vụ mất tích của Saint-Exupéry và sự biến mất của nhân vật chính trong cuốn sách của ông. Sau khi tập hợp tất cả những yếu tố đã được xác thực này, tôi chọn cách sắp xếp chúng theo một thể thức mà tôi tin là chưa có ai tưởng tượng ra. Những mảnh bí ẩn này sẽ nằm trong tay bạn. Bạn cũng có thể đóng vai thám tử, và đưa ra cách giải quyết của riêng bạn” – ông viết.

Nhà văn Antoine de Saint-Exupéry mất tích ngày 31/7/1944 trên máy bay trong một nhiệm vụ trinh sát quân sự ngoài khơi Địa Trung Hải. Vào năm 1998 và 2004, người ta đã tìm thấy một chiếc lắc tay và vài mảnh vỡ máy bay được cho là của ông, nhưng thi thể ông vẫn chưa bao giờ được tìm ra.

Và nhà văn Michel Bussi đã tìm cách giải mã sự mất tích bí ẩn của Saint-Exupéry thông qua một “cuộc điều tra hư cấu”, dựa trên những sự việc có thật. Và vì thế, Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé? đầy ắp tư liệu về cuộc đời nhà văn vừa hấp dẫn, lôi cuốn với sự dẫn dắt đầy biến hóa của Michel Bussi.

Michel Bussi là một trong 5 nhà văn có sách bán chạy nhất năm 2021 tại Pháp (theo tờ Le Figaro) – Ảnh: Nhã Nam

“Thành công vang dội của cuốn Hoàng tử bé cũng như cuộc đời phiêu lãng của Saint-Exupéry đã trở thành chủ đề cho rất nhiều tác phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một tác phẩm nào tìm cách so sánh số phận của Saint-Exupéry và số phận của Hoàng tử bé. Các tiểu hành tinh đã trở thành những hòn đảo, sải cánh của bầy chim hoang dã đã được thay thế bằng một chiếc máy bay, nhưng những nhân chứng thì vẫn như thế, phi lý và thu hút” – nhà văn chia sẻ.

Thông qua cuốn sách đầy hấp dẫn và lôi cuốn này, nhà văn Michel Bussi đưa độc giả chu du qua bao miền đất trong một cuộc truy tìm manh mối.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Mã 612 – Ai Đã Giết Hoàng Tử Bé?”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin bổ sung

Tác giả

Michel Bussi

Dịch giả

Nguyễn Thị Tươi

Format

Ebook, Epub

Thể loại

Trinh Thám

Số trang

283

NXB

Hội Nhà Văn

Năm xuất bản

2022