Skip to content Skip to footer
-50%

Matasaburo – Từ Phương Của Gió

Giá gốc là: ¥400.Giá hiện tại là: ¥200.

Với những hình ảnh thi vị, những xúc cảm trong sáng, Kenji Miyazawa đã mang đến cho độc giả một câu chuyện đẹp về tình bạn trẻ thơ.

Matasaburo – Từ Phương Của Gió – demo

Mô tả

KÌ NGHỈ HÈ kết thúc, lớp học nơi làng nhỏ bỗng xôn xao bởi sự xuất hiện của một cậu nhóc mái tóc đỏ kỳ dị không biết từ phương nào tới. Những đứa nhỏ trong lớp ngờ rằng nhân vật bí hiểm mới tới này chính là Matasaburo – hiện thân của gió. Cậu nhóc rốt cuộc là ai? Cậu sẽ mang tới ngọn gió mới nào cho ngôi làng nhỏ bên sông? Với những hình ảnh thi vị, những xúc cảm trong sáng, Kenji Miyazawa đã mang đến cho độc giả một câu chuyện đẹp về tình bạn trẻ thơ.

***

Matasaburo – từ phương của gió (Kenji Miyazawa) – Ngọn gió trong trẻo của tuổi thơ

Review By Mọt Mọt

“Vi vu vi vu vi vu vù vù/ Hãy thổi bay những trái óc chó xanh xanh/ Hãy thổi bay những quả mộc qua chua chua/ Vi vu vi vu vi vu vù vù.” Giỏ thổi làm mặt sông gợn sóng, gió thổi làm lay động lá rừng, gió thổi làm vương rơi những giọt nước đọng lại trên cành lá và gió thổi làm xao động ngôi trường của một ngôi làng nhỏ ven sông. Khi những đứa trẻ trong lớp học đã mặc định, cậu bé xa lạ mới chuyển trường tới chính là Matasaburo – hiện thân của gió.

 

Chất huyền thoại dân gian quyện hòa trong câu chuyện tuổi thơ hiện đại

Là một tác phẩm được viết bởi Kenji Miyazawa, một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng chuyên viết truyện thiếu nhi trong lịch sử văn học Nhật Bản, có thể nói tiểu thuyết Matasaburo – từ phương của gió vừa giữ trọn vẹn chất đồng dao, huyền thoại của văn học dân gian cổ nước Nhật, vừa chứa đựng những chi tiết, triết lý nhân sinh giản dị, nhẹ nhàng mà hết sức hiện đại.

Thật vậy, ngay tựa truyện Kenji Miyazawa đặt cho tác phẩm của mình: Matasaburo – từ phương của gió, ông đã gợi tới một trong những tích truyện cổ xưa của Nhật Bản: Matasaburo là hiện thân của gió, tới từ phương của gió. Gió đi đến đâu làm lay động cây cối, lá cành, nhà cửa,… Gió đi tới đâu sẽ cuốn theo lá khô, quả chín, những giọt nước đọng lại trên tàn cây… và lưu lại nơi gió đến những món quà như kỉ niệm cho lần gặp gỡ. Và xuyên suốt tác phẩm, có bài thơ đồng dao cứ trở đi trở lại trên trang sách như một sợi chỉ đỏ trong kí ức con người về âm thanh, hành động của gió, cũng như hiện thân của gió:

Vi vu vi vu vi vu vù vù

Hãy thổi bay những trái óc chó xanh xanh

Hãy thổi bay những quả mộc qua chua chua

Vi vu vi vu vi vu vù vù.

Cùng yếu tố truyền thống, yếu tố hiện đại đã len lỏi vào trang văn, vào cuộc sống của những con người tại ngôi làng nhỏ này: sự quan tâm cùng ý định khai thác các mỏ molypden trong vùng của những công ty bên ngoài, hoạt động xây dựng cục thầu độc quyền và sản xuất thuốc lá như một hoạt động chuyên canh công nghiệp, việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ… Tất cả, làm nên bộ mặt nước Nhật thu nhỏ tại một ngôi làng ven sông vào những năm đầu thế kỷ XX qua các trang viết chưa đầy 100 trang.

Và trên nền chất liệu huyền thoại cùng đời sống đương đại ấy là bóng hình cậu bé Takada Saburo, một hiện thân của quyện hòa giữa một bên là dòng chảy dân gian, huyễn ảo cổ xưa của nước Nhật với một bên là yếu tố hiện đại đang dần du nhập vào đời sống con người nơi đây. Cậu bé, con trai của một nhà khoa học tới từ mảnh đất Hokkaido xa xôi được ví như Matasaburo, hóa thân của gió, đến từ phương của gió vậy.

Takada Saburo là học sinh mới chuyển tới ngôi trường cấp I của một ngôi làng nhỏ ven sông. Saburo đến như mang làn gió mới tươi mát, theo cả hai nghĩa cho cuộc sống vốn bình lặng của những đứa trẻ nơi đây. Ngay ngày đầu nhập học, sự xuất hiện của Saburo đã kéo theo những cơn gió mạnh làm rung cánh cửa sổ của ngôi trường cổ, lưu lại trên bàn người bạn học những viên sỏi xinh đẹp. Ngoại hình của cậu lại quá khác biệt với những người xung quanh: mái tóc đỏ rực, áo khoác kiểu Âu. Và nơi cậu bé tới thì hết sức mơ hồ, vùng nào đó của Hokkaido nhưng là vùng nào của mảnh đất biển gió lộng thổi ấy?

Bởi thế, ngoại hình và xuất thân của Saburo gợi đến nét hiện đại của những đứa trẻ nước Nhật những năm 20, 30 của thế kỷ XX. Nhưng sự bí ẩn trong gốc tích cùng những hiện tượng trùng hợp đến kỳ lạ xung quanh cậu bé lại gợi tới huyền thoại về cậu bé gió, đến bất giờ, đi đột ngột. Chẳng ai biết gió đến từ đâu, cũng chẳng ai rõ gió sẽ tới phương trời nào kế tiếp. Chỉ biết rằng, gió cứ thế luân chuyển mãi chẳng ngừng, như câu chuyện về Matasaburo – từ phương của gió cứ trở đi trở lại như một ký ức tươi đẹp đọng lại mãi trong lòng những đứa trẻ ở ngôi làng nhỏ.

 

Matasaburo, hiện thân của gió hay chính ngọn gió trong trẻo của tuổi thơ.

Dẫu nói đến yếu tố truyền thống và hiện đại quyện hòa trong cuốn tiểu thuyết Matasaburo – từ phương của gió, dẫu nói rằng đây là câu chuyện gợi lên xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XX thì tới cuối cùng, tác phẩm này của cố nhà văn Kenji Miyazawa vẫn là một sáng tác dành cho trẻ thơ, được viết bởi một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.

Vì vậy, không bàn tới những gì quá sâu xa như yếu tố hiện thực của xã hội Nhật Bản ở cấp độ nhỏ như một ngôi làng ven sông thì Matasaburo – từ phương của gió thật sự là những trang văn hết sức trong trẻo của các đứa trẻ tuổi ăn, tuổi lớn, vô âu, vô lo, vô tư, hiếu kỳ, dễ làm quen, dễ kết bạn, dễ nhớ, dễ quên nhưng những gì đã đọng thành ký ức, kỉ niệm thì mãi là hồi ức đẹp trong trái tim và có lẽ là bước đường trưởng thành của chúng sau này.

Trước hết, sự trong trẻo ấy được thể hiện ở ngay cách tác giả xây dựng lên hệ thống nhân vật thực sự trẻ thơ. Trẻ thơ trong lời nói, trẻ thơ trong hành động và trẻ thơ trong chính suy nghĩ nội tâm của những cậu nhóc chỉ trên dưới 10 tuổi. Nếu không phải tuổi trẻ bộc trực, thẳng thắn, nghĩ gì nói đấy không suy nghĩ trước sau, Kasuke đã chẳng có cử chỉ lẫn lời nói đầy phấn khích khi biết tên cậu bé mới chuyển tới lớp học: “Chà chà. Chuẩn không cần chỉnh. Quả nhiên là Matasaburo. – Kasuke vỗ tay, điệu bộ như đang múa may quanh bàn.” Nếu không phải thơ dại thì những cậu nhóc đó đã chẳng vì một chiếc lá thuốc lá hái trộm của cục thầu độc quyền mà cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện đấy với một giọng điệu đầy sợ hãi. Nếu không phải trẻ nhỏ thì chúng đã chẳng thể dễ giận song cũng dễ làm hòa với nhau đến vậy mà chẳng thù ghét hay để bụng điều gì như cuộc tranh luận về tác hại của gió giữa Kosuke với Saburo.

Và cùng với đó, Matasaburo – từ phương của gió còn khắc họa lên những chuyến đi tới thăm nhà bạn bè, những trò chơi có lẽ con người ta chỉ chơi khi tuổi nhỏ: cùng nhau đi hái nho rừng, tặng nhau những trái dẻ tươi, tắm sông, mò sỏi, quỷ bắt… Quả thực, với Matasaburo – từ phương của gió, tác giả Kenji Miyazawa không chỉ cho độc giả thấy ông đã thấu hiểu tuổi thơ cùng tâm lý những đứa trẻ thế nào, mà trang văn ông viết còn là một thế giới được tạo tác lên từ hoài niệm để những ai trưởng thành tìm lại một khoảng trời tuổi thơ đã đánh mất. Về quãng thời gian trong sáng vô ngần ta đã từng quây quần cùng bạn bè vô lo, vô nghĩ chơi đủ những trò mà giờ đây nhìn lại chỉ còn là kỉ niệm một thời quá vãng xa ngái khiến người ta chỉ có thể tiếc nuối, hoài vọng mà thôi.

Bởi vậy, sự trong trẻo trong trước tác Matasaburo – từ phương của gió còn tới từ chính tình cảm những đứa trẻ dành cho nhau: một thứ tình bạn sáng trong tựa giọt sương đọng trên lá biếc, mang theo ở đó tất cả thuần khiết, ngây thơ chẳng vụ lợi. Những đứa trẻ ở ngôi làng nhỏ rất nhanh làm thân với cậu bạn kỳ lạ mới đến, chúng quan tâm tới nhau qua từng suy nghĩ, cử chỉ nhỏ nhặt nhất, chia cho nhau những món quà tuổi thơ, chơi với nhau bằng trọn vẹn thành ý. Và nụ cười trẻ thơ khi những cậu nhóc ấy bên nhau, chính là điều trong trẻo nhất tượng trưng cho tình bạn trên trang văn của Kenji Miyazawa: “Đến nước này thì Saburo nhảy cồ cồ và cười ngất. Cả lũ cùng cười. Cười suốt, không dứt.” “Do bị dồn ép cuống cuồng từ nãy tới giờ nên Kosuke cũng dần dần quên béng cơn tức giận. Và bất giác cậu cũng phá lên cười cùng với Saburo.”

Có thể nói chăng, nếu Saburo chính là Matatasaburo – hiện thân của cơn gió thổi mát lành tới cuộc đời vốn bình lặng nơi những đứa trẻ ở ngôi làng nhỏ ven sông thì chính những đứa trẻ ấy cũng là những cơn gió ấm áp thổi đến cuộc đời Saburo, một đứa trẻ sớm phải sống đời phiêu bạt. Và những cơn gió chứa sự trong ngần thuần khiết ấy cũng thổi tới tâm hồn độc giả, để người ta bồi hồi nhớ về tuổi thơ đã qua, về những người bạn như cơn gió, chợt đến chợt đi trong cuộc đời mà rồi làm ta nhớ mãi.

 

Tấm vé tâm tưởng để con người trở về tuổi thơ.

Matasaburo – từ phương của gió là một sáng tác thiếu nhi, nhưng có lẽ đây cũng là sáng tác dành cho tất cả mọi người. Bởi ai chẳng có tuổi thơ từng đi qua, nơi ấy có bạn bè, có những trò chơi một thời ngây dại. Nơi ấy lưu dấu trọn vẹn tuổi vô âu, vô lo, những thuần khiết chưa bị dòng xoáy, bánh xe nghiệt ngã của cuộc sống ồn ã cuốn đi. Và nơi ấy, như cơn gió đã đi là không trở lại, chỉ còn dư âm nơi hồi ức.

Bởi vậy, Matasaburo – từ phương của gió cũng như một tấm vé từ tác giả Kenji Mizyazawa gửi tới độc giả để mỗi chúng ta lên con tàu tâm tưởng trở lại thời quá vãng trong trẻo đã xa. Gió trong câu chuyện vẫn chưa ngừng thổi cũng như chuyến hành trình đó vẫn còn tiếp diễn trong trái tim con người. Và giữa bộn bề cuộc sống, chút trong trẻo ấy như cơn gió mát lành để người ta tìm lại một khoảng lặng, một nơi dừng chân cho tâm hồn trước khi tiếp tục chuyến hành trình cuộc đời.

***

Kenji Miyazawa và cơn gió mát lành của tình bạn

  • Thụy Oanh review
Tình bạn chính là phép màu của cuộc sống. Nó giúp những đứa trẻ xa lạ xích lại gần nhau và viết nên những câu chyện đẹp của tuổi thơ. Matasaburo – Từ phương của gió là một trong những tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi của nhà văn – nhà thơ bạc mệnh Kenji Miyazawa. Nhân vật chính của câu chuyện là cậu bé nhân hậu và đáng yêu Takada Saburo.Cha của chú nhóc vốn là một ông chủ trong ngành khai thác mỏ. Do yêu cầu công việc, ông đành phải mang cậu con trai tới sống ở ngôi làng hẻo lánh vùng núi.

Không lạ lẫm, không sợ sệt, hay cảm thấy chán nản, cậu nhóc Saburo rất thích thú với cuộc sống nơi đây. Ngày đầu tiên tới lớp, mái tóc đỏ cùng đôi má hây hây như trái táo chín và chiếc áo khoác kiểu châu Âu của cậu học trò mới trở thành tâm điểm chú ý của các bạn.

Điều khiến bọn trẻ ngạc nhiên hơn là chú nhóc “ma mới” này lại vô cùng tự tin và bạo dạn. Saburo thoải mái đùa nghịch và trêu chọc các bạn như thể đã quen thân nhau từ lâu lắm rồi.

Với bản tính hiếu động, cậu bé chạy ào tới hết góc này đến góc kia của ngôi trường nhỏ bên bờ suối. Chẳng cần hỏi tên, cả lớp thống nhất gọi người bạn mới bằng cái tên Matasaburo, có nghĩa là “hiện thân của gió”.

Ngày đầu tới lớp, Saburo đã gây không ít phiền toái, cậu làm lũ trẻ ở đây tức điên vì bị trêu trọc, nhất là cậu nhóc Ichiro. Nhưng với sự hồn nhiên của tuổi nhỏ, bọn trẻ chẳng giận nhau được lâu.

Vài ngày sau, mấy cậu nhóc Saburo, Ichiro, Kasuke, Kosuke và Goro đã trở thành những người bạn thân thiết. Ngôi trường thanh bình bên con suối nhỏ róc rách giúp xóa nhòa mọi khoảng cách.

Lũ trẻ đã có những kỷ niệm tuyệt vời bên nhau. Ngày nào mấy cậu nhóc cũng cùng nhau đi học, rủ nhau ra suối lấy nước. Thấy chán, chúng lại bày trò đua ngựa, cốt yêu để trêu mấy con tuấn mã tội nghiệp.

Ai ngờ, những con ngựa vốn hiền lành bỗng dưng khó bảo làm mấy chú nhóc sợ hết hồn. Trải qua nhiều buồn vui bên nhau, tình bạn của chúng càng thêm khăng khít.

Matasaburo – Từ phương của gió còn là câu chuyện nên thơ về tình yêu của con người với thiên nhiên. Với lũ nhóc, dòng suối, khu rừng với những cây dẻ dại và những bụi nho sai trĩu quả là những thứ rất thân thương, như người thân trong gia đình.

Từng nhành cây, ngọn cỏ đã nuôi dưỡng các cậu bé lớn lên một cách phóng khoáng và hồn hậu nên những thứ nhỏ nhoi ấy xứng đáng trở thành báu vật.

Khi thấy những người thợ mỏ dùng bột tiêu để đánh cá, ngang nhiên lội xuống suối làm lũ cá nhỏ hoảng sợ, lũ trẻ đã vô cùng lo lắng. Chúng thay nhau lặn xuống suối, xây những ngôi nhà bằng sỏi để các bạn cá lẩn trốn. Trong những ánh mắt ngây thơ bắt đầu hằn lên sự sợ hãi.

Nhưng nguyên nhân chính khiến cuộc sống thanh bình ở ngôi làng nhỏ miền sơn cước này bị đảo lộn là bởi sự xuất hiện của nhà máy khai thác quặng molypden mà bố của Takada Saburo đang quản lý. Liệu cậu bé sẽ làm gì trước tình huống oái oăm này. Đứng về phía các bạn hay ủng hộ bố?

Tác giả Kenji Miyazawa (1896-1933) là nhà thơ, nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Ra đi ở tuổi 37 vì căn bệnh viêm phổi và để lại khối lượng tác phẩm khá khiêm tốn, phần lớn được công bố sau sau khi ông qua đời. Nhưng các sáng tác của Kenji Miyazawa được nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi ở Nhật yêu thích bởi cốt truyện hồn nhiên, trong sáng, lay động nhẹ nhàng tới trái tim người đọc.

Những áng văn thơ của ngôi sao yểu mệnh người Nhật Bản là bản hòa ca giữa con người và tình yêu thiên nhiên. Thiên nhiên xứ sở hoa anh đào, đặc biệt là vùng Hanamaki quê hương của tác giả, được miêu tả tỉ mỉ và nên thơ. Bầu không khí trong lành, cùng sự bình yên nơi đây hiện lên sống động trong nhiều tác phẩm của ông.

Sinh thời Kenji Miyazawa chủ yếu sống bằng nghề dạy học. Ông còn được biết đến như một nhà hoạt động xã hội. Là người thích sống hòa mình cùng thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, ông nhiều lần bày tỏ sự lo lắng khi cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ bởi làn sóng công nghiệp bùng nổ ở Nhật cuối những năm 20 của thế kỷ trước.

Năm 1940, đạo diễn người Nhật Koji Shima đã chuyển thể câu chuyện  về Saburo và các bạn thành phim bộ phim điện ảnh cùng tên và được đông đảo khán giá đón nhận.

Bộ phim đã đưa vị đạo diễn này thành ngôi sao sau thời gian dài im ắng. Ngoài Matasaburo – Từ phương của gió, độc giả Việt Nam còn biết tới Kenji Miyazawa qua một tác phẩm khác là Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Matasaburo – Từ Phương Của Gió”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin bổ sung

Tác giả

Kenji Miyazawa

Dịch giả

Đỗ Hương Giang

Format

Ebook, Epub

Thể loại

Thiếu Nhi

Số trang

100

NXB

Hội Nhà Văn

Năm xuất bản

2017