Mô tả
7 ngày trải nghiệm thế giới bên kia của một bác sĩ giải phẫu thần kinh
Hàng ngàn người đã trải qua trải nghiệm cận tử (near-death experience), nhưng đây vẫn là một chủ đề bí ẩn và đầy tranh cãi. Phần lớn các nhà khoa học cho rằng trải nghiệm này chẳng qua là ảo giác của não bộ khi rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ; số khác cho rằng có một điều gì đó vi diệu hơn thế.
Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Eben Alexander từng thuộc nhóm thứ nhất cho đến khi ông tự mình trải qua trải nghiệm cận tử “phiên bản đặc biệt” của riêng ông, trải nghiệm đã khơi nguồn cảm hứng để ông viết nên “Minh chứng thiên đường” (tựa gốc: “Proof of Heaven”). Với góc nhìn khoa học và kinh nghiệm hơn hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực giải phẫu thần kinh, Eben Alexander đã tường thuật lại trải nghiệm của mình một cách vừa thuyết phục vừa lôi cuốn trong quyển sách này.
Tiến sĩ Eben Alexander bị chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não hiếm gặp. Căn bệnh khiến phần não kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của ông – phần chủ yếu tạo nên nhận thức và tư duy con người – bị đóng sập hoàn toàn, và ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu trong bảy ngày. Chính trong trạng thái đó, Alexander đã trải qua một hành trình kỳ lạ đến thế giới ở bên ngoài thân xác, như lời ông: “Tôi đã bước vào thực tại của một thế giới ý thức tồn tại hoàn toàn độc lập khỏi những giới hạn của bộ não vật lý”.
Lần theo từng trang sách, Alexander dẫn độc giả đi qua thế giới đó, từ “Cảnh Giới Tầm Nhìn Của Giun Đất”, đến “trải nghiệm vòng xoáy”, từ “quang cảnh xanh mướt rạng ngời của Lối Vào” dẫn vào “bên trong bóng tối đen như mực nhưng chính là Cốt Lõi Thiêng Liêng”… Ở thế giới đó, Alexander nhận được món quà của sự lãng quên: nhận thức mà người ta chỉ có được khi quên đi danh tính cá nhân và hoàn toàn hòa mình vào vũ trụ, quay về với bản chất đích thực của mình. Bất kể bạn là tín đồ Thiên Chúa giáo, đạo Phật hay là người tin vào thuyết vật lý lượng tử, việc thoát khỏi những mô thức tư duy quen thuộc có thể giúp bạn có được những khám phá diệu kỳ và những cảm nhận sâu sắc vượt lên giới hạn của đời sống.
“Minh chứng thiên đường” sẽ thỏa mãn nhiều “khẩu vị” khác nhau của độc giả. Ở nửa đầu quyển sách, bạn đọc như đang cùng tác giả đi vào một trải nghiệm huyền bí – hành trình mà tác giả đã trải qua trong bảy ngày hôn mê. Ở phần cuối quyển sách, tác giả chia sẻ những điều chiêm nghiệm sâu sắc, thế giới quan của ông sau trải nghiệm, kèm theo những phân tích và cách lý giải từ góc nhìn chuyên môn (nhưng thiết thực và dễ hiểu).
Không có trải nghiệm cận tử, trải nghiệm tỉnh thức nào giống nhau, và có lẽ hình ảnh thiên đường hiện ra với mỗi người cũng đều khác nhau, nhưng đa số những người có trải nghiệm này đều có cái nhìn mới mẻ nào đó về đời sống hoặc “ngộ” ra một chân lý nào đó của vũ trụ.
Về phần tiến sĩ Eben Alexander, bên cạnh một nhận thức hoàn toàn mới mẻ, ông đã tìm thấy được nguồn an ủi, chữa lành cho những tổn thương bên trong mà ông tìm kiếm bấy lâu. Sau trải nghiệm bên ngoài không gian đời sống, ông tin rằng sự chữa lành thật sự chỉ có thể đạt được khi chúng ta nhận ra sự hiện hữu của một vũ trụ rộng lớn hơn những gì ta từng biết.
“Tôi vẫn yêu vật lý và khoa học vũ trụ; tôi vẫn yêu việc tìm hiểu và khám phá vũ trụ bao la và diệu kỳ của chúng ta. Chỉ là giờ đây tôi có một ý niệm rộng mở hơn rất nhiều về cái gọi là ‘bao la’ và ‘diệu kỳ’”, vị tiến sĩ nói “Khía cạnh vật lý của vũ trụ chỉ là một hạt cát nhỏ bé so với phần vô hình và tâm linh của nó. Theo quan điểm trước đây của mình, tâm linh là từ mà tôi sẽ chẳng bao giờ dùng đến trong các cuộc thảo luận khoa học. Nhưng bây giờ thì tôi tin rằng đó là từ mà chúng ta không thể không nói đến.”
Thông qua trải nghiệm “Thiên đường”, tác giả tìm thấy được những thông điệp của tình yêu vĩnh hằng và vô điều kiện mà tất cả con người chúng ta luôn có thể tìm thấy khi biết được sự thật về thế giới mình đang sống, về Sự Hiện Hữu Thiêng Liêng mà chúng ta vốn thuộc về khi đi sâu vào Cốt Lõi của sự hiện hữu của chính mình.
Ra mắt lần đầu tại Mỹ vào năm 2012, “Minh chứng thiên đường” lọt vào danh sách sách bán chạy của New York Times, Amazon, Los Angeles Times, sau đó được xuất bản tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Khi ra mắt tại Việt Nam, quyển sách đặc biệt được GS. John Vu – Nguyên Phong viết lời giới thiệu.
Lời mở đầu
Con người nên tìm kiếm sự thật, chứ không phải sự thật mà mình mong muốn – Albert Einstein (1879-1955)
Lúc nhỏ, tôi thường mơ thấy mình biết bay.
Lần nào cũng vậy, tôi thấy mình đang đứng trong sân nhà vào ban đêm, ngước nhìn lên những vì sao, rồi bỗng nhiên tôi bắt đầu bay lơ lửng lên cao. Trong những xăng-ti-mét đầu tiên, tôi như được tự động nhấc bổng lên. Nhưng ngay sau đó, tôi nhận ra là càng lên cao, chuyển động bay lên của tôi càng phụ thuộc vào bản thân tôi – vào nhất cử nhất động của tôi. Nếu trở nên quá phấn khích hay quá chìm đắm vào trải nghiệm này, tôi sẽ lập tức rơi xuống không phanh… ngã oạch trên đất. Nhưng nếu tôi cứ giữ tinh thần thoải mái, điềm tĩnh đón nhận mọi chuyện xảy ra, thì tôi sẽ bay lên cao, càng lúc càng nhanh về phía bầu trời sao.
Có lẽ những giấc mơ đó là một phần lý do vì sao khi lớn lên, tôi dành nhiều tình yêu cho máy bay và tên lửa – những thứ có thể đưa tôi lên lại với thế giới ở trên cao kia, bên trên thế giới này. Trong những chuyến bay cùng với gia đình, tôi thường gí sát mặt vào cửa sổ máy bay từ lúc cất cánh cho đến khi hạ cánh. Vào mùa hè năm 1968, khi tôi mười bốn tuổi, tôi đã tiêu toàn bộ số tiền kiếm được từ công việc cắt cỏ vào lớp học lái tàu lượn với một anh tên là Gus Street ở Strawberry Hill, một “sân bay” nhỏ – thực chất là một dải cỏ – ở rìa phía tây của Winston-Salem thuộc bang Bắc Carolina, thị trấn nơi tôi lớn lên. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác tim mình đập thình thịch khi kéo cái tay nắm cần lái to màu đỏ anh đào để tháo rời sợi dây nối giữa tôi và chiếc máy bay kéo, rồi cho chiếc tàu lượn chao nghiêng xuống phía cánh đồng. Đó là lần đầu tiên tôi có được cảm giác thật sự một mình và tự do. Đa số bạn bè của tôi nếm trải cảm giác này khi lái xe ô-tô, nhưng với số tiền bỏ ra, tôi nghĩ cảm giác khi lái một chiếc tàu lượn ở độ cao trên 300 mét tuyệt hơn gấp trăm lần.
Vào những năm 1970, trong thời gian học đại học, tôi tham gia vào đội tuyển nhảy dù (skydiving) của trường Đại học Bắc Carolina. Tôi cảm thấy như thể mình là thành viên của một đội đặc nhiệm vậy – một nhóm người có kỹ năng đặc biệt và làm nên những kỳ tích. Cú nhảy đầu tiên của tôi thật sự hãi hùng; cú nhảy thứ hai thậm chí còn khiếp đảm hơn. Nhưng đến cú nhảy thứ mười hai, khi tôi bước ra khỏi cửa máy bay và phải rơi tự do hơn 300 mét trước khi bung dù (cú “bung dù chậm mười giây” đầu tiên của tôi), tôi đã có cảm giác bầu trời là nhà. Trong suốt thời đại học, tôi đã thực hiện 365 cú nhảy dù và tổng cộng hơn ba tiếng rưỡi rơi tự do, chủ yếu là trong đội hình gồm tối đa hai mươi lăm đồng đội. Cho dù tôi đã ngưng nhảy dù từ năm 1976, nhưng tôi vẫn không ngừng mơ những giấc mơ nhảy dù sống động, và những giấc mơ ấy luôn mang lại cho tôi cảm giác thật dễ chịu.
Thời gian nhảy dù tuyệt nhất thường là vào buổi chiều, khi mặt trời đang dần lặn xuống dưới đường chân trời. Thật khó để lột tả được cảm giác mà tôi nếm trải khi thực hiện những cú nhảy đó: cảm giác gần chạm đến một điều gì đó mà tôi chưa bao giờ gọi tên được, chỉ biết rằng mình phải có được trải nghiệm đó thêm nhiều lần nữa. Không hẳn là cảm giác một mình đơn độc, bởi cách thức mà chúng tôi nhảy dù thật ra không hoàn toàn đơn độc như nghĩa của từ này. Chúng tôi nhảy theo nhóm gồm năm, sáu, hoặc đôi khi mười hay mười hai người mỗi lần, tạo nên một đội hình rơi tự do. Đội hình càng lớn và mức độ thử thách càng cao thì trải nghiệm càng tuyệt vời.
Eben Alexander
Tiến sĩ y khoa Eben Alexander là nhà giải phẫu thần kinh nổi tiếng người Mỹ kiêm tác giả viết sách. Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh về giải phẫu mạch máu não tại Anh quốc, ông giảng dạy tại Trường Y khoa Harvard và đồng thời cũng làm việc trong vai trò một bác sĩ giải phẫu thần kinh. Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 150 chương sách và bài nghiên cứu cho các tạp chí y khoa trong lĩnh vực giải phẫu thần kinh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.