Mô tả
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Nexus – Lược Sử Của Những Mạng Lưới Thông Tin Từ Thời Đại Đồ Đá Đến Trí Tuệ Nhân Tạo của tác giả Yuval Noah Harari.
Tóm tắt và đánh giá sách Nexus – Lược Sử Của Những Mạng Lưới Thông Tin Từ Thời Đại Đồ Đá Đến Trí Tuệ Nhân Tạo của Yuval Noah Harari:
Tóm tắt: Nexus là tác phẩm mới nhất của Yuval Noah Harari, tác giả nổi tiếng với các tác phẩm lịch sử và tương lai như Sapiens và Homo Deus. Cuốn sách này tập trung vào lịch sử và sự phát triển của mạng lưới thông tin, từ thời kỳ đồ đá cho đến kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Harari khám phá cách thông tin và mạng lưới thông tin đã định hình xã hội loài người, từ kinh thánh, sự xuất hiện của phương tiện truyền thông đại chúng, đến việc khai thác thông tin trong các chế độ dân chủ và độc tài.
Cuốn sách gồm ba phần:
- Những Mạng Lưới Của Con Người: Giới thiệu khái niệm thông tin và cách các thể chế sử dụng thông tin.
- Mạng Lưới Vô Cơ: Sự phát triển của công nghệ thông tin, bao gồm máy tính và mạng xã hội, cùng với sự trỗi dậy của AI.
- Nền Chính Trị Máy Tính: Phân tích tác động của AI đối với các hệ thống chính trị, và cách thức mà thông tin ảnh hưởng đến quyền lực và kiểm soát xã hội.
Harari đặc biệt nhấn mạnh vào mối nguy hiểm của việc các công ty công nghệ nắm quyền kiểm soát thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của AI. Ông cảnh báo về việc AI có thể tạo ra thông tin và tự ra quyết định, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc thiếu các cơ chế kiểm soát quyền lực của các công ty công nghệ lớn như Google.
Đánh giá: Nexus là một cuốn sách có tầm quan trọng lớn, không chỉ về việc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử của thông tin, mà còn khơi gợi suy nghĩ về tương lai của xã hội trong thời đại AI. Harari sở hữu khả năng độc đáo trong việc kết hợp các chi tiết lịch sử với những xu hướng tương lai, tạo nên một bức tranh toàn cảnh phong phú về sự phát triển của thông tin.
Cuốn sách này đáng đọc vì nó không chỉ là sự phân tích học thuật mà còn mang tính thực tiễn, cung cấp cho người đọc nhiều điều để suy ngẫm. Harari không đưa ra những tiên đoán nhất định về tương lai, nhưng ông nhấn mạnh vào việc con người vẫn có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt để điều chỉnh tương lai.
Một trong những điểm đáng khen ngợi là khả năng Harari gợi mở về AI dưới góc độ lịch sử, giúp người đọc hiểu rõ rằng những biến chuyển của mạng lưới thông tin từ thời xa xưa có ảnh hưởng lớn đến hiện tại và tương lai. Dù một số phần có thể mang tính hàn lâm và trừu tượng, Harari đã khéo léo sử dụng các ví dụ thực tế để minh họa, giúp cho cuốn sách trở nên dễ tiếp cận hơn với đại chúng.
Điểm nổi bật:
- Khả năng kết hợp giữa lịch sử và tương lai, giúp hiểu rõ sự phát triển và tầm quan trọng của thông tin.
- Những phân tích sâu sắc về trí tuệ nhân tạo và tác động của nó đối với chính trị, xã hội và kinh tế.
- Cảnh báo về việc kiểm soát và quyền lực trong thời đại công nghệ cao.
Nhược điểm:
- Một số phần của cuốn sách có thể quá trừu tượng đối với độc giả chưa quen với lối viết hàn lâm của Harari.
- Tác phẩm không đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về cách kiểm soát AI và thông tin, mà chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo và mở ra cuộc thảo luận.
Tóm lại, Nexus là một cuốn sách không thể bỏ qua đối với những ai quan tâm đến sự phát triển của thông tin và AI, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với tương lai của loài người.
***
Nexus – cuốn sách mới nhất của tác giả nổi tiếng toàn thế giới Yuval Noah Harari.
Yuval Noah Harari trở lại với cuốn sách mới đầy thú vị về cuộc hành trình của con người vào Kỷ nguyên thông tin, và những lựa chọn cấp bách mà chúng ta phải đưa ra để tồn tại – và phát triển.
Đây là câu chuyện về cách những mạng lưới thông tin đã kiến tạo và phá hủy thế giới, từ tác giả cuốn sách “Sapiens: Lược sử loài người”.
Trong 100.000 năm qua, loài Sapiens đã tích lũy được sức mạnh to lớn. Song bất chấp mọi khám phá, phát minh và chinh phục, giờ đây chúng ta thấy mình đang ở trong một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Thế giới đang trên bờ vực sụp đổ sinh thái. Căng thẳng chính trị đang gia tăng. Thông tin sai lệch tràn lan. Và chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của AI – một mạng lưới thông tin hoàn toàn mới.
“Nexus” nhìn lịch sử loài người qua lăng kính dài để xem xét dòng chảy thông tin đã đưa chúng ta đến ngày nay như thế nào. Từ thời Đồ đá qua quá trình điển hóa Kinh Thánh, rồi phát minh ra in ấn, sự trỗi dậy của phương tiện truyền thông đại chúng và sự nổi lên gần đây của chủ nghĩa dân túy, Yuval Noah Harari đã xem xét mối quan hệ phức tạp giữa thông tin và sự thật, quan liêu và huyền thoại, trí tuệ và quyền lực. Ông khám phá cách các hệ thống như Đế chế La Mã, Giáo hội Công giáo sử dụng thông tin để đạt được mục tiêu, dù tốt hay xấu. Ông cũng đề cập đến những lựa chọn cấp bách mà chúng ta phải đối mặt khi AI xuất hiện.
Thông tin không phải là nguyên liệu thô của sự thật, nó cũng không chỉ là một thứ vũ khí. “Nexus” tìm hiểu điểm trung gian giữa hai thái cực này, từ đó tái tìm hiểu bản chất chung của nhân loại.
Nexus: Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo đánh dấu sự trở lại của học giả người Israel Yuval Noah Harari. Bản tiếng Anh ra mắt vào ngày 10/9 và bản dịch tiếng Việt được đơn vị xuất bản tại Việt Nam gấp rút hoàn thiện, chính thức ra mắt vào ngày 30/9 vừa qua.
Với tiếng tăm của Harari từ các công trình trước đó, Nexus là một trong những cuốn sách được mong đợi nhất năm 2024. Chưa đầy một tháng sau ngày phát hành, sách đã nhận được review từ nhiều chuyên mục sách của những tờ báo hàng đầu, tạo ra nhiều thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn.
Mô tả dễ hình dung về hiện trạng loài người trước AI
Trong bài điểm sách trên New York Times, Dennis Duncan cho rằng tựa đề cuốn sách “gây hiểu lầm” cho độc giả, vì không thể nào gọi một cuốn sách 405 trang (theo bản tiếng Anh) là “ngắn gọn” được (“lược sử” trong tựa đề được dịch từ “brief history”, trong đó “brief” nghĩa là “ngắn gọn”). Thực tế thì đây không phải lần đầu sách của Harari được đặt tên theo môtíp này, trước đó độc giả từng được biết đến Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử tương lai.
Cụ thể hơn, Duncan cho rằng Nexus thực ra là hai cuốn sách tách biệt, không cuốn nào “ngắn gọn”. 200 trang đầu đậm tính sử học, gây “choáng ngợp” vì “nhồi nhét” quá nhiều chi tiết nhưng thiếu bố cục chặt chẽ – gây cảm giác như đang trò chuyện với một mọt sách thao thao bất tuyệt về Thuyết vạn vật của riêng anh ta.
Tóm lại, trong phần này Harari bàn luận cách xử lý thông tin khác nhau giữa các thể chế nhằm cân bằng giữa sự thật và trật tự, do đó mà thông tin độc giả nhận được sẽ có độ minh bạch và giá trị thực khác nhau. Phần này được Duncan đánh giá “thú vị theo kiểu hiển nhiên”, song cũng rất mơ hồ, rất dễ đưa ra ví dụ phản bác, vì vậy khó lòng hình thành một lý thuyết hữu ích về thông tin.
Kết luận rút ra sau phân nửa cuốn sách là điều mà ai có lẽ cũng đã biết từ trước: Hệ thống có khả năng tự sửa lỗi, vốn khuyến khích sự đối thoại và tương hỗ, sẽ thích hợp hơn hệ thống tước bỏ quyền lợi, chỉ cho phép con người phục tùng mù quáng.
Duncan cho rằng phần trên đây “cũng không mấy quan trọng” vì mấu chốt cuốn sách năm ở nửa sau: Harari đưa ra tóm lược cơ bản nhưng hữu ích, giàu thông tin về những rủi ro tiềm tàng từ AI cũng như cách mà ta có thể đối phó với những nguy cơ này.
Theo đó, mối đe dọa từ AI không giống những gì điện ảnh đã khắc họa, mà tế vi khó thấy hơn song lại mang tính hủy diệt: diễn ngôn bị phân cực nghiêm trọng khi thuật toán mạng xã hội, vốn được thiết kế để độc chiếm sự chú ý của chúng ta, liên tục cung cấp những nội dung cực đoan và mang tính thù hận; quyền đánh giá của con người – ra quyết định pháp lý, tài chính hoặc quân sự – bị chuyển giao cho một AI có mức độ phức tạp vượt ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta.
Theo Duncan, nửa sau của cuốn sách không hoàn toàn mới mẻ, những ai chăm chỉ theo dõi tin tức sẽ dễ dàng nhận ra những mẩu chuyện tác giả đề cập. Song điểm sáng nhất là Harari đã đưa ra tóm lược tình hình hiện tại một cách rõ ràng, dễ nhớ, cùng lời kêu gọi loài người cùng hành động để làm chủ tương lai của mạng lưới thông tin.
Năng lực con người và trí tuệ máy móc: giống hay khác?
Cây bút Justin Smith-Ruiu của Washington Post lại cho rằng những luận điểm xoay quanh AI của Harari là kém thuyết phục, thậm chí thẳng thừng đặt ra nghi vấn cuốn sách “không được tạo ra từ một bộ óc duy nhất”, do đó không “đưa ra được những tri nhận độc đáo”.
Ông đánh giá cao ý tưởng khởi thủy của cuốn sách: lịch sử những mạng lưới thông tin của loài người qua các thời kỳ và hình thức khác nhau. Tuy nhiên ông cho rằng Harari đã lộ điểm yếu khi cố gắng giải thích những câu chuyện kể qua lăng kính sinh học – cho rằng đạo đức loài người đơn thuần chỉ là hậu quả thứ cấp của những xung lực tự nhiên ở mức độ cao hơn (so với các loài động vật khác trong thiên nhiên).
Sang đến phần về AI, Ruiu cho rằng cách Harari lý giải sự khác biệt giữa năng lực con người và trí tuệ máy móc là “vội vã và hời hợt”. Cụ thể, tác giả Nexus chỉ ra công nghệ thông tin trước đây từ nêm đất sét Assyria đến xuất bản phẩm của Gutenberg đều chỉ ghi nhận và truyền bá thông tin theo ý con người; còn AI có thể tự mình “quyết định” những thông tin được ghi nhận và truyền bá – và lập luận, phân tích theo hướng cho rằng máy móc về cơ bản sẽ hành xử như con người.
Ruiu đối sánh Nexus của Harari với cuốn sách cùng tên của Henry Miller – dù chỉ là một tác phẩm hư cấu, song theo Ruiu, lại đưa ra lý giải thỏa đáng hơn về khác biệt giữa người và máy: thấu hiểu rằng quan tâm đến sự thật có thể là một công cuộc đạo đức.
Cây bút này cho rằng Nexus mắc phải lỗi tương tự mà những cuốn sách khác cảnh báo về nguy cơ và thách thức của cuộc cách mạng AI cũng gặp phải: không thể nhận thức được chính bản thân chúng đang phản ánh tiến trình tự động hóa của đời sống hiện đại.
“…một độc giả sáng suốt không thể không nhận ra cuốn sách này phản ánh cực kỳ rõ ràng những xu hướng đáng lo ngại mà Harari, cùng toàn bộ đội ngũ duy trì ‘thương hiệu Harari’ muốn phơi bày và phê bình”, Ruiu viết, ám chỉ Nexus là một cuốn sách “viết về AI đậm đà tinh thần đang lan khắp trong kỷ nguyên ChatGPT”.
Kết lại bài điểm sách của mình, Dennis Duncan nhận định rằng dù chỉ cung cấp những thông tin “thường thức”, nhưng cuốn sách lại rất giá trị khi do một trí giả toàn cầu có tầm ảnh hưởng như Harari viết ra (“phải chi tác giả súc tích hơn thì hay biết mấy!”). Dẫu sao, cuốn sách cũng nhắc nhở rằng xã hội ngày nay có đủ nguồn lực để ngăn chặn những biến hóa khôn lường của AI, chứ không thể để cho các công ty nằm trong tay những tỷ phú công nghệ định đoạt.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.