Mô tả
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tập truyện ngắn Người Đài Bắc của tác giả Bạch Tiên Dũng & Nguyễn Tú Uyên (dịch).
Bao gồm 14 truyện ngắn từng được đăng trên tờ Văn học hiện đại trong suốt thập niên 60 thế kỷ 20, lần đầu xuất bản vào năm 1971 song đến nay vẫn xếp thứ 7 trong danh sách 100 tiểu thuyết Hoa ngữ tiêu biểu thế kỷ 20, Người Đài Bắc là tác phẩm giữ thứ hạng cao nhất của một nhà văn còn tại thế trong danh sách này.
Tên là Người Đài Bắc nhưng tác phẩm không viết về những con người sinh ra và lớn lên ở Đài Bắc hay tình cảm với thành phố này, mà khắc họa nhiều hơn là cuộc sống của nhóm người “ngoại tỉnh” từ Trung Quốc đại lục lưu lạc đến Đài Bắc trong thập niên 50 thế kỷ trước, vốn ngày đêm canh cánh về người thân ở đại lục, nhung nhớ những huy hoàng và vẻ vang trong quá khứ, hình thành nên một “phức cảm đại lục” hết sức đặc biệt và vô cùng sâu đậm.
“Người Đài Bắc khá quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy nếu còn không viết cho mau thì những nhân vật đó, những câu chuyện đó, những phương thức sinh hoạt của người Trung Quốc đang dần dần biến mất đó sẽ lập tức trở thành quá khứ, một đi không trở lại nữa.”
– Bạch Tiên Dũng
Bạch Tiên Dũng (Pai Hsien-yung)
Sinh năm 1937, nguyên quán Quế Lâm, Quảng Tây, con trai danh tướng Bạch Sùng Hy.
Tốt nghiệp khoa Ngoại văn đại học Đài Loan, thạc sĩ sáng tác văn học Writer’s Workshop đại học Iowa, Mỹ.
Là cây đại thụ trên văn đàn Hoa ngữ, ông có sự nghiệp sáng tác đồ sộ; thể loại và đề tài phong phú, đa dạng; văn phong tinh tế, hàm súc, đẹp thê lương.
Tác phẩm tiêu biểu:
– Người Đài Bắc (tập truyện ngắn)
– Khách New York (tập truyện ngắn)
– Nghiệt tử (truyện dài)
– Cây vẫn như xưa (tập tản văn)
– Du viên kinh mộng (kịch sân khấu)
***
Một trong những điều kỳ lạ mà tôi nhận thấy khi đang đọc dở cuốn sách này, là việc người ta thường có cách tiếp cận khá bi lụy khi bàn về các tác phẩm của Bạch Tiên Dũng, kể cả ở phương Tây cũng như tại Việt Nam.
Đành rằng đúng là những câu chuyện mà ông viết nói chung cũng như tập truyện ngắn Người Đài Bắc này nói riêng, đều khó có thể miêu tả là vui tươi hạnh phúc, nhưng khoác lên ông danh hiệu “melancholy pioneer” hay bi kịch hóa bằng các cụm từ nghe rất “đắt”, kiểu “tan một giấc mộng xứ người”, “phức cảm Đại Lục” … thì tôi đều thấy hơi quá.
Hoặc có chăng, dù là ở phương Tây hay ở Việt Nam, người ta vẫn đang chọn cách nhìn có phần “thương hại” khi nói về Đài Loan (một “quốc gia” mang số phận kỳ lạ) và thủ phủ của nó: Đài Bắc, nơi sau nội chiến Trung Quốc, những kẻ “thua cuộc”, những kẻ “chọn nhầm phe” đã hòa mình vào Cuộc Rút Lui Vĩ Đại năm 1949, vượt biển để đến đây và bắt đầu cuộc sống mới khi còn chưa kịp vứt bỏ quá khứ sau lưng.
…….
14 truyện ngắn của Người Đài Bắc không hẳn là 14 câu chuyện hoàn toàn khác biệt, dù rõ ràng các nhân vật của chúng là những cá nhân hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên cái hoàn cảnh xa xứ họ đang cùng trải qua, cũng như việc lặp lại các khung cảnh đặc trưng: những cuộc chơi mạt chược, những quán bar vũ trường, những căn biệt phủ, những bữa ăn, những buổi tiệc … cùng những thân phận tương đồng: gái làng chơi, quân nhân, tầng lớp tri thức tiểu tư sản, giới quý tộc sa cơ lỡ vận, lớp thanh niên chán ghét lề lối cũ, người già níu kéo quá khứ vang son … phần nào mang những câu chuyện này lại gần nhau, thậm chí đôi lúc dường như chồng chéo, đối chọi lẫn bổ sung thêm các góc nhìn đa chiều về cùng một thời đại.
Vậy nên, tôi nghĩ đây không hẳn là cuốn sách thích hợp để chúng ta bàn về giọng văn hay lối viết của Bạch Tiên Dũng, khi vốn dĩ cái chất liệu của nó đã quá hấp dẫn và đủ để lôi kéo sự chú ý của độc giả trong từng tình tiết nhỏ. Nó cũng giống như khi chúng ta nấu ăn, việc cố gắng sử dụng các kỹ thuật nấu nướng phức tạp đôi khi lại khiến bao nhiêu thịt cá rau củ tươi ngon, bỗng trở nên tầm thường nhàm chán.
tưởng niệm cha mẹ đã tạ thế,
cùng thời đại chất chồng khổ lo họ từng đi qua.
Lời tựa mở đầu cho Người Đài Bắc mà Bạch Tiên Dũng đã chọn chỉ đơn giản thế thôi.
…….
Cũng chính bởi lối viết nặng tính trần thuật, kể lại những câu chuyện xưa cũ, toàn bộ cuốn sách này luôn giữ một nhịp điệu rất đỗi dửng dưng, kèm theo cách miêu tả chi tiết quá đà. Khi đọc Người Đài Bắc, ta dường như chẳng thấy điểm nào thật sự nổi bật, thậm chí lúc một vài tình tiết bắt đầu phát triển theo chiều hướng căng thẳng, Bạch Tiên Dũng lại chọn cách miêu tả chúng dưới góc nhìn của kẻ bên lề sự việc.
Việc này vô hình trung đưa độc giả vào sự lưỡng lự: có nên tiếp tục hay bỏ dở cuốn sách giữa chừng, khi rõ ràng tác giả và bản thân các nhân vật trong những câu chuyện này hoàn toàn không có ý định mời gọi chúng ta bước vào thế giới của họ. Với họ, chúng ta mãi mãi là người quan sát, là người ngoài.
Trong trường hợp bạn chấp nhận vai trò của mình và tiếp tục đi đến cuối những trang cuối của Người Đài Bắc, nhiều khả năng bạn cũng sẽ nhận ra các nhân vật trong những truyện ngắn này, hóa ra cũng chỉ là người ngoài trong chính câu chuyện của họ. Thoạt nghe có vẻ bất hợp lý, nhưng cái cách Bạch Tiên Dũng đưa mọi câu chuyện trong cuốn sách này về những cái kết mở, nơi buồn đau hay hạnh phúc, buông bỏ hay chấp niệm … cũng chẳng còn quan trọng, bởi vì tất cả là chuyện đã rồi, là chuyện của quá khứ; khiến thân phận / số phận những còn người Đài Bắc này trở nên bé nhỏ đến mức vô cùng.
Sau cuối, quan trọng nhất vẫn là chuyện ai đã tiếp tục sống. Nó làm tôi liên tưởng đến một câu ngạn ngữ cổ xưa:
dead mens tell no tales
người chết thì không kể chuyện
…….
Xét cho cùng, những nhân vật trong tập truyện ngắn Người Đài Bắc của Bạch Tiên Dũng cũng chỉ là những con người bình thường, có chăng là trong lúc loạn lạc bối rối, họ chẳng nỡ bỏ lại mà lỡ mang theo quá nhiều thứ vô hình trong hành lý, những thứ có chăng họ nên ném thẳng xuống biển trên đường di cư.
Nhưng nếu thế thì có lẽ Đài Loan đã không còn là Đài Loan nữa rồi.
Vậy thì nếu dù chúng ta yêu, ghét, hay có quan tâm đến quốc gia này và những con người của nó hay không, cũng chẳng việc gì phải tiếc thương hay bi kịch hóa thêm những câu chuyện trong Người Đài Bắc.
Bởi vì thay đổi quá khứ là chuyện bất khả, nên mục đích chính yếu khi nhắc lại những chuyện xưa cũ là để chúng ta nhớ đến những thứ cần nhớ.
Chỉ cần nhớ thôi, còn nhớ để làm gì là chuyện của của mỗi người.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.