Mô tả
Khác với phần đa người đọc quan tâm đến “thiên triều” hay “mẫu quốc” nhìn về Việt Nam ra sao, cuốn sách này tiếp cận một chủ đề không mới nhưng lại không thật sự phổ biến khi quan tâm đến cách nhìn của người Việt đối với thế giới mà cụ thể ở đây là Nhật Bản. Cuốn sách này với mong muốn tập hợp các bài viết, tư liệu trên báo chí của người Việt dịch, thuật, khảo cứu về các khía cạnh trong xã hội, lịch sử Nhật Bản để qua đó đi trả lời câu hỏi: Đầu thế kỷ XX, người Việt nghĩ gì, viết gì và quan tâm đến vấn đề gì của Nhật Bản? Đồng thời thông qua việc trả lời câu hỏi đó cũng tự nhiên có rất nhiều câu hỏi nghiễm nhiên được trả lời dù chưa thực sự thỏa đáng hoàn toàn như: Tại sao người Việt quan tâm đến Nhật Bản? Người Việt biết về Nhật Bản thông qua đâu, bằng hình thức nào?
Qua các tài liệu nghiên cứu, mối quan hệ bang giao Việt Nhật có lịch sử từ rất lâu đời, từ thế kỷ VIII thời nhà Đường đô hộ An Nam, có một vị quan nhà Đường gốc Nhật là Abe no Nakamaro sang An Nam làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ. Và bẵng đi một khoảng thời gian rất dài, mãi đến cuối thế kỷ XVI trở về sau, sử liệu Nhật, Việt mới bắt đầu ghi chép mối quan hệ giao thiệp giữa hai nước. Có thể nói sử liệu Việt Nam do bị thất tán nhiều thành ra sự ghi chép về mối quan hệ bang giao giữa hai nước thực sự không có quá nhiều, dẫn tới hiện nay việc nghiên cứu mối quan hệ bang giao này chủ yếu dựa vào những sử liệu của Nhật, có thể kể đến một vài tư liệu Nhật Bản đáng chú ý về chủ đề này như An Nam kỷ lược cảo, Thông hàng nhất lãm… Ngược lại, khi nói đến tư liệu thành văn của người Việt viết về Nhật Bản phải mãi tới thế kỷ XIX với cuốn sách Nhật Bản kiến văn lục viết bằng Hán văn của Trương Đăng Quế. Cuốn sách này hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từng được GS. Kim Vĩnh Kiện khảo cứu và dịch sang tiếng Nhật, sau này được học giả Ngô Thế Long dịch, đăng trên tạp chí Hán Nôm, và GS. Trần Ích Nguyên (Đài Loan) cũng có những nghiên cứu sâu hơn. Sang đến đầu thế kỷ XX, trước tình hình thế giới có sự biến động lớn, đặc biệt công cuộc Minh Trị duy tân của Nhật Bản chấn động địa cầu đã dẫn đến nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản của Việt Nam cũng nhiều hơn, các cuộc Đông du được diễn ra tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… và thông qua các nguồn tư liệu sách báo từ Trung Quốc, từ Pháp viết về Nhật Bản, người Việt cũng bắt đầu có những mối quan tâm nhiều hơn và sâu hơn đến Nhật, điều đó được thể hiện qua nguồn tư liệu trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX của Việt Nam viết về những vấn đề có liên quan đến Nhật khá nhiều. Với mong muốn hiểu hơn về xu hướng cũng như nội dung các lĩnh vực người Việt quan tâm đến Nhật Bản hồi đầu thế kỷ XX qua tư liệu báo chí, cuốn sách này đã được ra đời.
Nhật Bản qua lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX từ nguồn tư liệu báo chí là một đề tài chúng tôi quan tâm từ lâu. Cuốn sách này chủ yếu tập hợp các tư liệu liên quan đến Nhật được đăng trên báo chí (tạp chí, tập san, nhật báo…) tiếng Việt trong khả năng chúng tôi có cơ hội được tiếp cận (như Đăng cổ tùng báo, Nam Phong tạp chí, Tạp chí Trí Tri, Tri Tân, Ngày Nay, Hà Thành Ngọ báo, Phụ nữ tân văn, Trung Bắc tân văn, Sông Hương, Sài Gòn…). Chủ yếu tuyển chọn những bài viết tiêu biểu, xoay quanh một vấn đề liên quan tới một lĩnh vực, cá nhân cụ thể nào đó của Nhật Bản, còn những mẩu tin vắn liên quan đến chính trị, quân sự, quốc phòng hay một số bài liên quan đến chính trị, quan hệ Nhật Trung, Nhật Nga… chúng tôi không tuyển chọn vào sách. Các bài viết được chúng tôi sắp xếp theo trình tự thời gian, được bắt đầu từ năm 1919 và kết thúc ở năm 1940.
Nhìn tổng thể các bài viết được tuyển chọn trong sách, chúng tôi nhận thấy có một vài vấn đề đáng chú ý cần phải khảo cứu và tìm hiểu kỹ càng hơn:
– Hầu hết các bài khảo cứu, dịch, thuật… đều được được dịch từ tiếng Pháp, tiếng Trung; có bài ghi rõ nguồn dịch nhưng cũng có bài không ghi nguồn dịch, lược dịch từ đâu, tuy nhiên khi đọc sâu vào nội dung mỗi bài, người đọc có thể dễ dàng nhận ra được. Hoặc cũng có bài viết ngôn ngữ gốc là tiếng Anh, sau đó được dịch ra tiếng Tàu, rồi ta lại dịch từ tiếng Tàu sang tiếng Việt.
– Có khi tạp chí này sử dụng bài của tạp chí khác, hoặc có một bài nhưng được đăng trên nhiều tờ khác nhau. Điển hình nhất có thể kể đến bài diễn thuyết “Dân tộc Nhật Bản” (Les Japonais – Etude Ethnographique) của Nguyễn Văn Hiếu là Giáo học trường Sư phạm Hà Nội. Được đăng trên Tạp chí Nam Phong, số 81 (tháng Ba, 1924), và số 82 (tháng Tư, 1924). Đồng thời được đăng trên Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin (Tập san của Hội Trí Tri), trên Tome V, No. 2 (Avril-Juin 1924); Tome V, No. 3 (Juillet-Septembre 1924); Tome V, No. 4 (Octobre-Décembre 1924).
– Kể từ sau cuộc Minh Trị duy tân thành công, người Việt đã có mối quan tâm đến Nhật Bản nhiều hơn, điều đó cũng được thể hiện qua các bài viết về Nhật Bản được đăng trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX. Hầu hết các bài viết dù khảo cứu, dịch thuật… bất kỳ vấn đề gì, thì dung lượng dành cho thời kỳ Minh Trị duy tân vẫn là nhiều nhất, thậm chí có những bài chuyên bàn về vấn đề tài chính hay hiến pháp thời kỳ Duy tân. Ngoài những lời ca tụng có cánh dành cho công cuộc duy tân của Nhật Bản thì đi sâu vào từng vấn đề cụ thể các tác giả người Việt cũng có sự phê phán, chê trách một vài vấn đề trong thực tiễn quá trình triển khai Duy tân của Nhật Bản. Thậm chí còn từ những lỗi lầm, những vấn đề đáng phê phán đó mà kêu gọi và chỉ ra cho độc giả nhằm khuyên răn nên tránh đi vào những vết xe đổ Nhật đã gặp phải.
– Chủ đề các bài viết được tuyển chọn trong sách thuộc mọi lĩnh vực, của nhiều học giả có tên tuổi như Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Khôi… trong đó có thể dễ dàng nhận thấy số lượng các bài viết trên Nam Phong tạp chí là áp đảo hơn cả.
Có thể nói, ngoài tư liệu thư tịch, sách vở thì nguồn tư liệu báo chí ít nhiều cũng mang một giá trị nhất định, là kho tư liệu và thông tin không thể thiếu đối với các nhà nghiên cứu. Cuốn sách này chỉ như một nét điểm xuyết nhẹ vào nguồn tư liệu báo chí mênh mông có đề cập các vấn đề liên quan đến Nhật Bản mà chúng tôi còn chưa có cơ hội tiếp cận hết, nhằm phác họa một cách khái lược hình ảnh Nhật Bản dưới lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX.
Trong quá trình tuyển chọn các bài viết, chúng tôi có sử dụng một vài thao tác biên tập thông thường, giúp người đọc hiện nay dễ tiếp cận cũng như phù hợp với quy chuẩn chính tả hiện hành như bỏ dấu gạch ngang giữa các từ ghép, sửa chính tả một số từ, có bổ sung phần cước chú nghĩa của một số từ hiếm gặp và ít thông dụng, các cước chú nếu không có chữ [nguyên chú] thì đều là của chúng tôi. Chúng tôi cũng có tra cứu và chú thích cách đọc Romaji tên các địa danh, nhân danh… theo tiếng Nhật để bạn đọc dễ tra cứu, cũng có khi là sự đính chính những điểm mà theo thiển ý của chúng tôi là sự nhầm lẫn của tác giả, người dịch và mọi phần bổ sung của chúng tôi đều nằm trong ngoặc vuông [ ].
Những bài được tuyển chọn trong sách này đều dựa trên thiển ý cá nhân của chúng tôi, chúng tôi vẫn biết rằng giữa một rừng tư liệu mênh mông, sẽ còn rất nhiều bài viết thú vị, nổi bật khác về Nhật Bản trong các báo, tạp chí, tập san mà chúng tôi chưa có may mắn được tiếp cận, rất hy vọng được quý độc giả chỉ điểm, để giúp bức tranh về Nhật Bản qua lăng kính người Việt đầu thế kỷ XX được hoàn thiện hơn. Và mặc dù đã rất nỗ lực nhưng cuốn sách hẳn sẽ còn những thiếu sót không đáng có, rất mong các bậc thức giả hoan hỉ chỉ chính để chúng tôi có thể chỉnh sửa và hoàn thiện hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/10/2018
***
Khảo về học chế của nhật bản
Thượng Chi
Tạp chí Nam Phong, số 27 (tháng Chín, 1919), tr. 202-223.
Sự học trong nước ta ngày nay đương vào buổi thay cũ đổi mới, có nhiều vấn đề khó khăn, chưa biết giải quyết thế nào cho thỏa đáng. Những nhà lưu tâm về việc giáo dục cần phải tham khảo học chế các nước cho biết điều hay nên bắt chước, điều dở khỏi mắc lầm. Trong các nước duy có nước Nhật Bản là cái tình thế cũng hơi giống như nước ta: nước ấy cũng là một nước cũ đã từng chịu văn hóa của Tàu mà từ ngày giao thông với Âu châu phải đổi theo hình thức văn minh mới. Về đường giáo dục cũng như về đường chánh trị, đường xã hội, v.v… tất đã từng trải những sự khó khăn như nước ta ngày nay mà đã qua được trót lọt. Vậy thời ta lại càng nên xét xem nước ấy đã dùng những phương pháp gì để cải lương sự học trong nước cho được kết quả như ngày nay. Nay tra cứu các sách về Nhật Bản, trích lục và dịch thuật những đoạn nói về cách sửa sang sắp đặt việc học, họp lại làm một bài khảo cứu như sau này, tưởng cũng có ích cho học giới nước ta giữa lúc còn đương thay đổi mà chưa thành cơ sở vững vàng vậy.
T.C
* * *
Gốc văn hóa ngày nay là sự giáo dục cưỡng bách (instruction obligatoire). Muốn biết trình độ văn minh một nước thấp hay cao, thời cứ xét ngay cái trình độ học thức của người dân trong nước ấy cao hay thấp làm tỉ lệ vậy. Người Nhật Bản về đời Minh Trị (ère Meiji) muốn đặt cho nước mình vào bậc đại liệt cường trong thế giới, thế tất phải chú trọng về đường giáo dục trước nhất; lại còn một lẽ nữa, là muốn thâu nhập vào trong nước cái văn minh mới của Âu châu, để truyền bá những cái tư tưởng cải cách duy tân vào trong dân gian hãy còn theo lề lối cũ; như vậy thời sự giáo dục lại là một cái lợi khí không gì bằng vậy.
Nay ta nghiên cứu xem công cuộc giáo dục của người Nhật Bản thế nào, trước xét về tinh thần tôn chỉ, sau xét về cách tổ chức sắp đặt ra làm sao.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.