Mô tả
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Những Chàng Trai Baltimore của tác giả Joel Dicker & La Phương Thủy (dịch) & Chu Thanh Thủy (dịch).
“Một góc nhìn vô cùng sâu sắc về các tầng lớp khác biệt của nước Mỹ; một câu chuyện xúc động về tình anh em và sự cạnh tranh trong gia đình” – The Times
Những chàng trai Baltimore hay Hội Goldman là cách gọi Marcus Goldman và hai người anh họ của cậu: Woody và Hiller. Họ là những con người tài năng, nhiệt huyết, là trung tâm chú ý ở bất cứ nơi nào họ xuất hiện. Chỉ vì một phút đố kỵ, lý trí bị lòng ghen tuông và sự phản bội hạ gục, những chàng trai Baltimore đã đánh mất đi tương lai rực rỡ và vinh quang chói lòa của mình.
Suốt nhiều năm trời, Marcus đã phải vật lộn với những gánh nặng đeo đẳng của quá khứ và anh chọn cách kể ra sự thật về câu chuyện của chính gia đình mình để xua đi nỗi ám ảnh, làm phương thuốc chữa lành mọi nỗi khổ đau.
Một cuốn sách đồ sộ và chi tiết. Câu chuyện này sẽ khiến bạn hoàn toàn bị cuốn hút và không cho phép mình bỏ lỡ dù chỉ là một đoạn.
***
Joël Dicker: phát hiện mới của văn học Pháp ngữ.
Ngày 25-10 (giờ địa phương), Viện Hàn lâm Pháp đã mở màn mùa giải văn học 2012 của đất nước hình lục lăng bằng việc công bố tên người đoạt giải thưởng lớn về tiểu thuyết: nhà văn Thụy Sĩ 27 tuổi Joël Dicker với tác phẩm La vérité sur l’affaire Harry Quebert (Sự thật về vụ Harry Quebert).
Trước đó, La vérité sur l’affaire Harry Quebert – tiểu thuyết thứ hai của Joël Dicker – đã được giới phê bình đánh giá cao và nhận nhiều giải thưởng khác. Hiện tại tác phẩm đang nằm trong danh sách xét giải Goncourt và giải Interallié. Do đó Joël Dicker được xem là phát hiện mới của văn học Pháp ngữ.
La vérité sur l’affaire Harry Quebert là quyển tiểu thuyết 700 trang khó tóm tắt vì tác giả sử dụng thủ pháp đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Tác phẩm kể lại câu chuyện của Marcus Goldman – một nhà văn ăn khách đang bị mất cảm hứng sáng tác. Bị buộc tội đã giết chết nhà văn nổi tiếng Harry Quebert, Marcus Goldman thoát khỏi cảnh “mê ngủ”. Quá trình đi tìm thủ phạm cũng là quá trình Marcus Goldman viết nên tác phẩm mới – một tác phẩm trong tác phẩm.
Giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp ra đời từ năm 1915, được công bố hằng năm vào tháng 10, sớm nhất so với các giải thưởng văn học khác của Pháp. Năm 2011, giải được trao cho nhà văn kiêm nhà báo Pháp Sorj Chalandon, tác giả của Retour à Killybegs (Trở lại Killybegs).
***
#Độc_giả_giới_thiệu_sách
Một review đến từ bạn @the6thlibrarian
NHỮNG CHÀNG TRAI BALTIMORE – Jᴏᴇ̈ʟ Dɪᴄᴋᴇʀ
________________
[ Rất nhiều người trong chúng ta tìm cách để mang ý nghĩa đến cho cuộc sống, nhưng cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi chúng ta có khả năng hoàn thành ba nhiệm vụ: yêu, được yêu và biết tha thứ. Phần còn lại chỉ tốn thời gian.]
Là hơn 500 trang sách đan xen giữa hiện thực và quá khứ. Là những phút huy hoàng của một thời đã qua và niềm an ủi kiếm tìm trong thực tại. Là mong chờ, ao ước và cả tiếc nuối.
Cuốn sách bắt đầu bằng việc gợi ra một thảm kịch. Một thảm kịch mà câu chuyện đằng sau chất chứa rất nhiều điều. Có cả hạnh phúc, có cả tương lai đáng mong chờ và nhất là tình yêu. Nhưng điều gì quá hoàn hảo và thuần khiết thì không nên mong chờ ở loài người. Marcus cũng nên như thế khi anh còn là một cậu bé. Khao khát về một cuộc sống viên mãn và thành công của gia đình Goldman ở Baltimore là tất cả những gì chiếm trọn tâm trí và trái tim của cậu bé Goldman nhà Montclair. Khao khát ấy che mờ anh, đồng thời cũng lấp lên những đống chất ngất sự ghen tị, nỗi tủi thân khi so sánh với cha mẹ mình. Cũng dễ hiểu thôi khi mà nhà Baltimore mang một chuẩn mực cao đến thế của sự thành công, của hạnh phúc, của những con người tốt tính và thân thiện. Một mẫu quảng cáo điển hình, dù sau cùng họ không hề là những kẻ ác độc, nhưng bi kịch vẫn bắt đầu bằng cái đẹp.
Những con người hào nhoáng nhà Baltimore đem đến những ước mơ, khao khát, rồi cũng chính tay họ lột đi những điều đó cũng bởi cùng thứ cảm xúc mà họ vun vào Marcus: lòng đố kỵ. Lớp sương độc hại này là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi, và nó cũng thật người làm sao. Đố kị chắp cánh cho viễn tưởng của Marcus thì cũng một chân đạp nhà Baltimore xuống khỏi đồi mơ ước. Một vòng luẩn quẩn đã hình thành từ thế hệ trước. Nhưng công tâm mà nói, sự đố kỵ ấy không thể phủ nhận được tình yêu, lòng chân thành của nhà Baltimore. Nhớ lại trong “Parasite” từng có một câu thoại kiểu thế này: Vì họ giàu nên họ mới tốt bụng. Điều đó cũng có phần đúng khi ta thấy Marcus so sánh cha mẹ mình với hai bác, nhưng cũng chỉ là góc nhìn phiến diện mà thôi. Bản chất nhà Baltimore không xấu xa, chỉ là họ quá ám ảnh với sự hoàn hảo mà mất nhận thức về những giá trị chân thật. Và đó là cách nỗi buồn của người khác để lại, một thời huy hoàng với tương lai hứa hẹn chấm dứt với hai từ “giá như…”
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.