Mô tả
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Shuggie Bain – Chiếc Linh Hồn Nhỏ của tác giả Douglas Stuart & Trần Quốc Tân (dịch).
“SHUGGIE BAIN: Chiếc linh hồn nhỏ sở hữu một văn phong đầy nhạc tính. Đó không phải thứ âm nhạc du dương, khuôn đúc, cầu kỳ, lớp lang; hay nói chính xác hơn, nó mất cân bằng. Đó là thứ âm nhạc trắc trở, bất tuân và chộn rộn, xuất phát từ một tâm hồn đã gặp nhiều vết cứa và ít nhiều chai sạn, một tiếng nói chờ được bung ra nhưng không tìm được đúng tiết tấu mình cần. Nhưng rồi sẽ… Đó là thứ âm thanh trải lòng. Trải lòng tức là không còn phải cố nén.” – Lời người dịch SHUGGIE BAIN đào sâu vào từng góc khuất tăm tối của Glasgow vào thập niên 1980 dưới thời Margaret Thatcher, qua đó hé lộ một câu chuyện xúc động về những mảnh đời chật vật trong cảnh bế tắc mà không thấy được ánh sáng.
Bằng lối kể pha trộn giữa bi kịch với hài hước, tàn nhẫn với dịu dàng, lòng trắc ẩn với đau đớn tột cùng, SHUGGIE BAIN khắc họa nên bức tranh đầy ám ảnh về quan hệ gia đình, về định kiến xã hội, về sự tự nhận thức bản thân, về đói nghèo và tệ nạn. Khi con người ngập ngụa dưới đáy khốn khổ, họ hiến dâng mù quáng cho tình yêu, họ chạm tới giới hạn tưởng chừng vô tận, họ bám víu điên cuồng vào niềm kiêu hãnh và hy vọng để khao khát làm chủ vận mệnh.
Cuốn tiểu thuyết đầy day dứt này sẽ khiến bạn phải khóc!
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Douglas Stuart sinh ra và lớn lên tại thành phố Glasgow, Scotland. Năm 24 tuổi, Douglas chuyển đến New York theo đuổi ngành thời trang sau khi tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Hoàng gia ở London.
Douglas Stuart đến với nghiệp viết lách khá muộn nhưng cuốn sách đầu tay của ông – SHUGGIE BAIN – đã lập tức gây tiếng vang khi lọt vào đề cử giải Sách quốc gia Mỹ và giành giải Booker 2020.
***
CÁC GIẢI THƯỞNG
Giành giải thưởng Booker 2020
Đề cử Giải thưởng National Book Award
Đề cử Giải thưởng Kirkus Prize cho thể loại tiểu thuyết
Đề cử Giải thưởng First Novel Prize do tổ chức the Center for Fiction bình chọn
Được vinh danh là Tác phẩm xuất sắc nhất năm do Elle và Vogue bình chọn
***
LỜI NGƯỜI DỊCH
Shuggie Bain: Chiếc linh hồn nhỏ sở hữu một văn phong đầy nhạc tính. Đó không phải thứ âm nhạc du dương, khuôn đúc, cầu kỳ, lớp lang; hay nói chính xác hơn, nó mất cần bằng. Đó là thứ âm nhạc trắc trở, bất tuân và chộn rộn, xuất phát từ một tâm hồn đã gặp nhiều vết cứa và ít nhiều chai sạn, một tiếng nói chờ được bung ra nhưng không tìm được đúng tiết tấu mình cần. Nhưng rồi sẽ… Đó là thứ âm thanh trải lòng. Trải lòng tức là không còn phải cố nén.
Để minh họa cho bạn đọc về tính bức thiết và không thể thay thế của giọng văn trắc trở trong Shuggie Bain – sự trắc trở chỉ chực chờ “xổ.” ra là gãy – người dịch xin lấy ví dụ qua một hình ảnh phần đông bạn đọc đều quen thuộc. Bạn thử hình dung đọc cuốn sách này giống như đang đứng chờ mưa dưới mái hiên. Tiếng mưa làm ta vừa chộn rộn vừa an tĩnh. Chúng ta nghe thấy tiếng mưa lộp độp trên mái tôn, mưa rả rích trên mặt đường, mưa tí tách bên hiên nhà đối diện. Có một trật tự nào đó trong sự hỗn độn và không thể đoán trước. Có thể trời tạnh mưa và quang trở lại. Có thể ào một cái và ta thấy rõ sự hối hả của những ai đang mắc kẹt dưới bức màn khắc nghiệt. Có sự mất cân bằng nhỏ trong tổng thể lớn hài hòa. Trong lúc chờ và lắng nghe tiếng mưa, bạn nghĩ đến điều gì?
(Xin phép tiết lộ, tất cả những điều bạn nghĩ đến đều sẽ được chứa đựng trong cuốn tiểu thuyết này.)
Ở một mặt nào đó, có lẽ xét về cốt truyện theo nghĩa trần trụi nhất, Shuggie Bain là câu chuyện về người đồng tính; hay cụ thể hơn, đứa con trai đồng tính chăm sóc bà mẹ nghiện bia rượu. Cậu bé nhân vật chính luôn ở trong tình trạng đi tìm bản dạng giới của mình. Cậu sẽ phải đón nhận những lời lẽ cay độc và chì chiết của người đời. Nhưng cũng giống như tất cả những ai được người đời gán cho những mỹ từ như “hai thì.”, “ẻo lả.”, “công tử.”, “không bình thường.” hay “làm mình làm mẩy.”, Shuggie vẫn nhẫn nại tin vào việc đi tìm sự thật dành cho mình. Cá nhân người dịch rất ấn tượng chi tiết Shuggie ngồi dưới gầm cầu và lăn những viên bi được vo từ tóc cô bạn Leanne xuống thành bê tông trong lúc nhìn dòng xe cộ. Có lẽ lắng nghe và chờ đợi là hai điều cốt yếu để có thể tìm thấy một giọng thật, ở đâu đó, thật và chân phương hơn tất thảy những tiếng nói ồn ã ngoài kia. (“Dù tất cả bọn họ đều có thể thấy đó là gì, chỉ có cậu là không thể nói ra được.”) Tìm được một nhịp độ vừa đủ để truyền tải sự loay hoay này ở nhân vật Shuggie là một thách thức không nhỏ.
Người dịch không nghĩ rằng khó khăn lớn nhất trong quá trình dịch Shuggie Bain đến từ phương giọng Scotland và tiếng lóng, cụ thể là ở Glasgow, mặc dù thách thức đó hiện diện xuyên suốt. Trong buổi trò chuyện của Douglas Stuart với Nicola Sturgeon, nữ thủ hiến Scotland, ở hội chợ sách quốc tế Edinburgh, Douglas kể bông đùa về một ví dụ nhỏ mà các dịch giả hay gặp phải khi dịch tiếng Anh của người Scotland. Người Scotland nói “go the messages.” không có nghĩa là đi gửi thông điệp hay thư tín, mà chỉ có nghĩa là đi chợ, đi tiệm tạp hóa mua mấy món đồ lặt vặt.
Thách thức vể mặt ngữ nghĩa như kể trên không khó khăn bằng việc tái hiện. Cụ thể là tái hiện đời sống thiếu thốn và chật vật ở Glasgow những năm 1980 của tầng lớp lao động. (Lấy ví dụ, bạn đọc thử hình dung thành phố Nam Định vào thời mà nhà máy dệt vẫn còn là trung tâm của mọi mặt trong cuộc sống người dân ở đó. Rất khó diễn tả bằng lời, đúng không?) Hai năm trước, người dịch có dịp đến Glasgow làm việc, và những điều được chứng kiến ở đó đã rất mới mẻ, hiện đại, và đa văn hóa, khác xa với những gì mô tả trong cuốn sách. Song một buổi chiều muộn đi men bờ sông Clyde dưới trời mưa rả rích – điều này thì rất giống trong truyện – người dịch dường như hiểu được phần nào cảm giác của Shug Bự khi anh lái những cuốc xe đêm trong cái lạnh ẩm ướt và trời mưa liên tu bất tận, và mỗi lần quành vào trung tâm để về tới con sông “giống như một cú rót xuống tâm của bóng tối thời Victoria.”. Điều thường trực, có lẽ là sự huy hoàng của những góc khuất.
Vì thế, để tái hiện khung cảnh Glasgow những năm 1980 cần một điều gì đó nằm ngoài chiều kích thời gian. Người dịch quyết định không quá lậm sâu vào việc tìm từ ngữ mang hơi hướng ngày xưa để diễn ra không khí “hồi đó.”. Thiết nghĩ, tiếng Việt hiện tại hoàn toàn có thể truyền tải được sự tranh đấu, vật lộn và đi tìm bản dạng của một người, ở một thời nào đó trong quá khứ, ở một xứ sở nào đó trên địa cầu, chính bằng những loay hoay, khúc mắc mà bản thân từ ngữ tiếng Việt gặp phải trong quá trình đi tìm chỗ đứng, đi tìm “giọng thật.” của chúng. Vì thế, bạn đọc đừng quá bất ngờ khi bắt gặp những câu thoại rất “đương đại.” như “Ầy, chúng ngoẻo như ruồi ấy mà. Không chết vì thuốc thì cũng bị thằng chó điên nào bóp cổ thôi.” (Dân Scotland hay bắt đầu câu bằng “Ầye.”, có nghĩa tương tự như “Đúng rồi.”.)
Người dịch đã cố gắng – và dĩ nhiên, cũng không tránh khỏi những lúc loay hoay – để tái hiện phần nào sức ghì, sự chật vật và nhất là nhạc tính trong văn phong của Stuart Douglas. Việc lắng nghe bằng đôi tai là vai trò và cũng là giá trị của độc giả. Vì thế, mọi phản hồi của độc giả đều đáng quý. Mong muốn của người dịch là một người bản ngữ đọc Shuggie Bain bằng tiếng Anh cảm nhận thế nào, người đọc tiếng Việt qua bản dịch cũng cảm nhận được gần như vậy. Dĩ nhiên, với một số khác biệt không tránh khỏi giữa hai nền văn hóa Á-Âu, mong bạn đọc thông cảm cho một số lượng chú thích đã được tiết giảm đến mức tối thiểu – dù rằng, với một số bạn đọc là không cần thiết và làm ngắt quãng trải nghiệm đọc.
Một vấn đề khác, không thiếu tầm quan trọng, là đặt tên bản dịch. Nhan đề gốc Shuggie Bain vốn là tên riêng, nhưng nếu giữ nguyên, người đọc tiếng Việt khó có thể hình dung ra đó là tên của một nhân vật. Điều đó có thể cản trở cho cuộc dạo đầu chuyến chu du của chúng ta vào thế giới nhiều biến cố, gian truân và bất trắc của Shuggie, ít nhất là từ góc nhìn của người dịch, cũng là một người đọc tiếng Việt. Vì thế người dịch quyết định gán thêm một nhan đề phụ, thuần Việt: Chiếc linh hồn nhỏ. Chữ “chiếc.” là lựa chọn có chủ đích để ám chỉ một cách gọi trung tính cho người thuộc cộng đồng LGBT. Với nhan đề tiếng Việt ấy, người dịch nợ nhà thơ Huy Cận. Chúng đến từ một câu trong bài Ê chề: “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu.” Nỗi buồn của shuggie hẳn sẽ vượt qua khung thời gian và khoảng cách địa lý. Xin khép lại bằng một dòng suy nghĩ của cậu bé: “Cũng như với một ngày đẹp trời, sẽ luôn có mưa ở một phía khác.”
Hy vọng rằng, độc giả sẽ tìm được nhiều điều cho riêng mình qua cuốn tiểu thuyết này.
Trần Quốc Tân
Hamburg, tháng Hai 2022
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.