Mô tả
Trong mấy năm qua, Internet Vạn Vật (IoT) đã dần trở thành một mặt trận công nghệ mới, thu hút sự quan tâm và bàn luận của đông đảo mọi người, từ giới công nghệ, kinh doanh, đến người dân bình thường. Tính trên thế giới, dường như mỗi tuần trôi qua đều có một doanh nghiệp đứng ra tuyên bố quyết định thực hiện một chiến lược IoT mới. Trên cương vị các nhà quản lý, chúng ta nên hiểu như thế nào về hiện tượng này? Liệu làn sóng IoT này có thiết lập được sức ảnh hưởng của nó tại Việt Nam như ở các nơi khác trên toàn cầu? Nên bỏ qua hay nắm bắt cơ hội, và nắm bắt cơ hội này ra sao trong bối cảnh cụ thể hiện nay của từng doanh nghiệp? Cuốn sách này sẽ giúp nhà quản lý biết được IoT có thể phù hợp với tổ chức của mình ở khía cạnh nào, và làm thế nào để khiến những quyết sách về IoT mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, xét ở cả ngắn hạn và dài hạn.
Thiết lập internet vạn vật trong doanh nghiệp là một cuốn sách thiết thực dành cho các bậc quản lý, giúp họ đón đầu làn sóng mới này trong công nghệ và kinh doanh. Cuốn sách bàn về tác động, sự lan tỏa, và các cơ hội IoT xuất hiện hằng ngày trong đời sống kinh doanh, đồng thời chỉ ra những cách giúp lãnh đạo doanh nghiệp có thể bắt tay vào triển khai IoT ngay trong hôm nay để đạt được những lợi ích hữu hình trước mắt và lâu dài.
Với đối tượng độc giả mục tiêu là các quản lý/lãnh đạo trong doanh nghiệp, cuốn sách bàn đến IoT từ góc độ kinh doanh, chiến lược, và tổ chức, kèm theo đó là ví dụ minh họa về những trường hợp ứng dụng thực tế để độc giả có cái nhìn rõ hơn. Với Thiết lập internet vạn vật trong doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ học được cách xây dựng một kế hoạch triển khai IoT khả thi, phù hợp với định hướng, chiến lược, và khả năng hiện tại của doanh nghiệp, cũng như cách triển khai thành công chiến lược đó.
Với các nhà quản lý, có lẽ câu hỏi lớn nhất về bầu không khí hào hứng xung quanh IoT hiện nay là thực ra nó là gì và có thể làm gì với nó. Cuốn sách này đề cập đến các cách thức vận dụng IoT trong thời điểm hiện tại (với những trường hợp ví dụ cụ thể) và tương lai, để nhà quản lý có được tầm nhìn đúng đắn nhất về hiện tượng này, đồng thời có được định hướng riêng về cách vận dụng và triển khai IoT cho doanh nghiệp của mình. Cụ thể, cuốn sách sẽ:
– Gạn đục khơi trong, giúp độc giả có được cái nhìn thực tế và chính xác hơn về hiện tượng IoT. Trong bầu không khí hào hứng xung quanh IoT trong những năm gần đây, với những con số dự đoán về giá trị lên đến hàng nghìn tỉ đô-la mà giới chuyên môn dành cho nó, thì điều gì là thực, điều gì không thực? Những con số dự đoán khổng lồ đó xuất phát dựa trên cơ sở nào?
– Mang đến cái nhìn chính xác về cả độ rộng và chiều sâu của làn sóng IoT.
– Cung cấp một công thức đã được kiểm chứng để bảo đảm sự thành công cho một chiến lược IoT.
– Đưa ra những gợi ý về cách xây dựng kế hoạch và triển khai chiến lược IoT theo cách thiết thực và khả thi nhất.
– Giúp nhà quản lý biết cách tận dụng được những tiến bộ mới nhất trong IoT để phục vụ cho doanh nghiệp của mình, tránh được những sự gián đoạn do những phát kiến đột phá của các doanh nghiệp khác gây ra trong bối cảnh thị trường biến đổi không ngừng như hiện nay.
– Chỉ ra cách tận dụng tác động về mặt kỹ thuật, tổ chức, và xã hội của IoT.
Về tác giả:
Maciej Kranz hiện là Phó Chủ tịch mảng Đổi mới Sáng tạo Chiến lược Doanh nghiệp tại Cisco Systems. Ông tập trung xây dựng các doanh nghiệp mới, tăng tốc quá trình đổi mới sáng tạo nội bộ, và thúc đẩy hoạt động đồng đổi mới sáng tạo với các khách hàng, đối tác, và doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua mạng lưới toàn cầu của các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Cisco. Trước khi đảm nhiệm vai trò này, Kranz là quản lý trưởng của nhóm Các ngành Công nghiệp Kết nối của Cisco, với nhiệm vụ chính là thúc đẩy mảng IoT cho các thị trường công nghiệp chủ chốt.
***
Ngày nay, chúng ta đang bị quá tải với đủ thứ ồn ào về Internet Vạn Vật [Internet of Things – IoT]. Đó chính là lý do để cần đến một cuốn sách như thế này – một cuốn cẩm nang thiết thực giúp phân tách những tạp âm ồn ào với thực tế – để chỉ cho chúng ta biết những điều thiết thực và có giá trị nhãn tiền về IoT cũng như những việc chúng ta có thể bắt đầu từ hôm nay để gặt hái được những lợi ích hữu hình ngày mai.
Trong thế giới với hơn 7 tỉ người ngày nay, hằng năm lại có thêm 70 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu đang ngày càng phình to này tạo ra 8 nghìn tỉ đô-la trong hoạt động tiêu dùng, và với nhu cầu của họ, các công ty sản xuất phải làm sao để ngày càng có năng suất cao hơn, bền vững hơn, linh hoạt hơn, và chi phí cạnh tranh hơn. Các nhà sản xuất cũng phải bảo đảm tuân thủ luật chơi quốc tế và quản lý rủi ro hiệu quả trong khi vẫn phải từng bước nâng cao chất lượng kết nối giữa các bộ phận.
IoT sẽ có những tác động và thay đổi đáng kể đối với cách thức kinh doanh của các công ty trên toàn cầu. Các công nghệ IoT sẽ làm biến đổi môi trường sản xuất, và trong 10 năm tới nó sẽ còn thay đổi nhiều hơn so với 50 năm qua. Cisco ước tính IoT có thể đạt giá trị lên tới 3,9 nghìn tỉ đô-la chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất, một trong những lĩnh vực lớn nhất được lợi từ công nghệ này.
Sự hội tụ giữa công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) đã đưa chúng ta tới một bước ngoặt để hiện thực hóa tầm nhìn mà chúng ta gọi là Doanh nghiệp Kết nối. Nền tảng của tầm nhìn này là niềm tin tưởng rằng tương lai ngành sản xuất được dựa trên các hệ thống mở và hệ thống Ethernet không đổi. Sự kết hợp thông tin trong hai thế giới IT và OT – kết nối liên tục và an toàn các dữ liệu sản xuất với các dữ liệu và thông tin kinh doanh – mang đến những lợi ích to lớn. Và IoT giúp tăng tốc cho Doanh nghiệp Kết nối.
Các nhà sản xuất vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi có thể gặt hái được đầy đủ các lợi ích của Doanh nghiệp Kết nối cũng như của lĩnh vực IoT đang phát triển nhanh chóng. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 1 năm 2015 do tạp chí Industry Week thực hiện đối với 581 nhà lãnh đạo và quản lý trong ngành sản xuất, chưa đến 28% cho biết nhà máy của họ có kết nối với Internet. Chỉ có 8% thuộc các công ty lớn với doanh số trên 1 tỉ đô-la cho rằng tổ chức của họ đã “hoàn toàn sẵn sàng” tiếp nhận lợi ích từ các công nghệ IoT mới. Do vậy, chúng ta cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ứng dụng công nghệ IoT.
IoT bắt đầu với những tài sản thông minh được kết nối an toàn trên một mạng lưới mở tiêu chuẩn (Ethernet). Chúng ta đạt được giá trị đầy đủ của IoT bằng cách bổ sung cho các tài sản thông minh kết nối này các công nghệ đương đại như điện toán có khả năng mở rộng, quản lý thông tin, phân tích, tính cơ động, từ đó tạo ra những kết quả có giá trị cao như giảm thiểu thời gian chết và giảm lượng tiêu thụ năng lượng. Doanh nghiệp Kết nối được sự hỗ trợ của công nghệ IoT sẽ tạo ra những lợi ích vô tiền khoáng hậu trong năng suất, sự bền vững, và tính cạnh tranh toàn cầu.
Rockwell Automation tự hào là một đơn vị tiên phong trong IoT từ năm 2005. Làm việc cùng với Cisco, chúng tôi biết được rằng công nghệ mới này sẽ dẫn dắt cả ngành công nghiệp trải qua một cuộc chuyển mình lớn, và chúng tôi quyết tâm cùng nhau dẫn dắt cuộc chuyển mình này. Thông qua sự hợp tác sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ, và các sáng kiến giáo dục, chúng tôi đang giúp các công ty cùng thực hiện thành công cuộc tiến hóa đồng quy này.
Sự hợp tác của chúng tôi chia theo từng giai đoạn. Trong Giai đoạn 1, chúng tôi tiến hành phát triển sản phẩm chung. Tính đến nay, chúng tôi đã cùng nhau phát triển được hơn 50 sản phẩm. Chúng tôi hợp tác để thúc đẩy quá trình chuyển đổi mạng lưới sang Ethernet/IP. Chúng tôi cũng tích cực tham gia cùng với các tổ chức chuyên về tiêu chuẩn để vạch ra các kế hoạch chuyển đổi, kết hợp ưu điểm của cả IT và OT.
Trong Giai đoạn 2, chúng tôi làm việc trên những kiến trúc chung – đầu tiên là một mạng Ethernet đồng quy triển khai toàn nhà máy (CPwE), tới gần đây là Mạng Công nghiệp An toàn. Ở Giai đoạn 3, chúng tôi chuyển sang xây dựng các giải pháp chung. Các giai đoạn tiếp sau cho phép thực hiện các mô hình kinh doanh mới (CAPEX1 sang OPEX2), bao gồm các phương thức thanh toán-cho-sản xuất3. Hiện nay, chúng tôi đang cùng nhau khắc phục lỗ hổng về lực lượng lao động có kỹ năng bằng các chương trình cấp bằng chứng nhận chung. Chỉ riêng lịch sử về sự hợp tác của chúng tôi cũng có thể mang lại nhiều bài học quý giá cho những ai đang nghiên cứu về quá trình tiếp nhận IoT.
1 CAPEX (Capital Expenditure): chi phí vốn, là khoản chi phí các công ty dùng để mua, nâng cấp và duy trì các tài sản vật lý như bất động sản, nhà xưởng, trang thiết bị,…
2 OPEX (Operating Expenses): chi phí vận hành, là phí tổn các công ty bỏ ra để vận hành các hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày, ví dụ thuế, tiền thuê trang thiết bị, lương thưởng,…
3 Thanh toán-cho-sản xuất (pay-for-production): là một mô hình xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) đặc biệt, theo đó nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) trả tiền cho nhà cung cấp theo từng sản phẩm được sản xuất trên thiết bị của nhà cung cấp.
Trong suốt 11 năm làm việc với Maciej Kranz, Rockwell Automation và Cisco đã triển khai thành công nhiều sản phẩm, kiến trúc và giải pháp chung cho hơn 10.000 khách hàng trên toàn cầu. Trong cuốn sách này, Maciej chia sẻ những bài học đúc rút từ cuộc hành trình hướng tới IoT của chúng tôi với độc giả rộng rãi đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Maciej, một trong những nhà tiên phong của IoT, đã khéo léo nắm bắt lấy những thông lệ tốt nhất và kết hợp chúng với những hướng dẫn thực tiễn để giúp độc giả có thể bắt tay vào thực hiện hành trình IoT của riêng mình.
Các khách hàng của chúng tôi vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với những cuộc thảo luận về IoT. Cuốn cẩm nang thiết thực này sẽ giúp tách bạch giữa sự háo hức thái quá và thực tế, đồng thời cung cấp những lời khuyên hữu ích giúp bạn khởi đầu cuộc hành trình của mình, cùng với đó là những lời khuyên về cách lập kế hoạch cho tương lai. Tôi khuyến khích các nhà quản lý kinh doanh và kỹ thuật thuộc mọi ngành nghề đọc cuốn sách này để hiểu cách đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo và đạt năng suất cao hơn nhờ thực hiện thành công IoT.
Keith Nosbusch
Chủ tịch của Rockwell Automation
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.