Mô tả
Là một kiệt tác văn chương bất hủ, kể về mối tình lãng mạn diễn ra trong bối cảnh xã hội đầy hỗn loạn và biến động của nước Anh thế kỷ XVII giữa John Ridd, một chàng nông dân lương thiện, chất phác với nàng Lorna Doone xinh đẹp, cháu gái của một gia tộc sống ngoài vòng pháp luật
Trong một lần bị cuốn đi bởi trí tò mò và máu phiêu lưu, John Ridd khi ấy mới chỉ là một cậu bé đã tình cờ gặp gỡ cô bé Lorna Doone trong sáng, thánh thiện. Mối tình trẻ con, ngây thơ giữa họ đã sớm phát triển thành tình yêu đôi lứa chân thành, mãnh liệt, nhưng lại bị ngăn trở bởi tầng tầng lớp lớp rào cản không dễ vượt qua. Khi John cứu được Lorna thoát khỏi một cuộc hôn nhân gượng ép, đưa nàng lánh xa những những kẻ trộm cướp hung bạo, khát máu, tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười với họ. Nào ngờ trước mặt họ vẫn còn biết bao sóng gió chực chờ ập xuống, đe dọa cuốn họ ra xa nhau mãi mãi…
Được xuất bản lần đầu vào năm 1869, ngay từ khi ra mắt , Tình sử Lorna Doone đã nhận được sự tán dương của rất nhiều tác giả đương thời, giúp R. D. Blackmore trở thành một tiểu thuyết gia tiên phong trong phong trào lãng mạn lúc bấy giờ. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, kịch rất nhiều lần và cho đến nay vẫn còn được đông đảo độc giả yêu thích, đón nhận.
***
#Review TÌNH SỬ LORNA DOONE
Tác giả Review & ảnh: Hồng Khánh
Nguồn: Mọt sách Tiki
Tình sử Lorna Doone – mối tình diễm lệ trong bối cảnh đổ nát, hoang tàn.
Tình sử Lorna Doone được tác giả trình bày với lối viết chậm rãi, văn phong cổ điển. Khi quen với nhịp điệu kể chuyện, bạn sẽ thấy tất cả đều mạch lạc, rõ ràng và tất cả mọi chi tiết đều có nguyên do.
Câu chuyện do một ông già ưa hoài niệm nhẩn nha kể về cuộc đời và tình yêu của chính bản thân mình, bắt đầu tại một miền quê hẻo lánh của nước Anh vào những năm giữa thế kỷ 17, tức là cách năm 2020 chúng ta đang sống tầm 300 năm. Ở nơi ấy, sự vô pháp vô thiên trở thành phổ biến tới mức người ta coi sự vắng mặt của bọn cướp ngày trắng trợn trở thành điều bất thường.
Dân làng câm lặng, chịu đựng chấp nhận một gia đình quý tộc lụn bại ngang nhiêm cướp đi thành quả lao động và cả người thân yêu của mình, nếu chúng muốn. Trong một lần bảo vệ tài sản của mình, cha của Ridd – nhân vật xưng tôi bị người của nhà Doone sát hại đầy oan ức, tức tưởi. Ridd và Lorna từ khi chưa biết nhau đã mang mối hận thù sâu nặng như thế. Vượt trên tất cả, sự dịu dàng, trong trẻo của mối tình giữa John Ridd và Lorna như một tia sáng ấm áp, rạng rỡ giữa những mưu mô, thù hận. Tình yêu bất chợt và sâu nặng ấy được thử thách bằng những định kiến nặng nề, sự phân tầng xã hội mỗi ngày một rõ rệt qua những tình tiết ngày càng phát triển và đẩy cao.
Với bối cảnh cuộc nổi dậy Monmouth đầy khốc liệt và bạo lực, những trang viết của RD Blackmore lại nhẹ nhàng, hài hước và tươi sáng. Những trang viết về cảnh sinh hoạt, vẻ đẹp của nông thôn nước Anh thế kỉ 17 khiến người đọc vừa thư thái, vừa nóng lòng, hồi hộp với những câu chuyện còn dang dở đang chờ đón.
Truyện có nhiều tuyến nhân vật, nhiều sự kiện liên quan được kể lể chi tiết, rõ ràng có thể khiến người đọc cảm thấy mất kiên nhẫn trong phần đầu của tập truyện, nhưng tôi tin, khi khép lại trang sách cuối cùng, sự ngọt ngào, ấm áp, cùng những cảm xúc, ấn tượng mạnh mẽ sẽ lắng đọng thật lâu trong tâm hồn người đọc. Tình sử Lorna Doone là bộ tiểu thuyết vừa lãng mạn, vừa sống động sẽ khiến tôi đọc không chỉ một lần.
Hồng Khánh
***
Nếu có quý vị nào chịu bỏ ra chút thời gian đọc một câu chuyện giản đơn được kể theo lối mộc mạc, bình dị thì tôi, John Ridd, giáo dân vùng Oare, thuộc hạt Somerset, tiểu điền chủ và người trông giữ nhà thờ, từng chứng kiến và dự phần vài biến cố xảy ra trong vùng, sẵn sàng hầu chuyện theo thứ tự lớp lang hết mức có thể. (Cầu Chúa ban cho con sức khỏe và trí óc minh mẫn). Quý vị nào tình cờ đọc được cuốn sách này nên nhớ giúp cho rằng tôi kể chuyện này ra đây cốt để giải oan tiếng xấu giáo xứ chúng tôi phải mang, và để mọi người biết cả một điều nữa mà tôi tin là sẽ thường xuyên xuất hiện trong cuốn sách, đó là… tôi chỉ là một kẻ quê mùa ít học, chẳng biết lấy một thứ tiếng nước ngoài nào như mọi quý ông khác, cũng không hề có tài ăn nói những lời lẽ cao siêu (ngay cả bằng tiếng mẹ đẻ), ngoại trừ những thứ rất có thể tôi đã lượm lặt được từ Kinh thánh hoặc từ đại văn hào William Shakespeare, người mà, bất kể công luận thế nào, tôi vẫn luôn dành cho sự quý trọng đặc biệt. Nói tóm lại, tôi là một kẻ ít học, nhưng với một tiểu điền chủ thì như thế đã là quá đủ.
Cha tôi vốn có của ăn của để được thừa hưởng từ nhiều thế hệ, ít nhất là theo nếp nghĩ của dân Exmoor chúng tôi, và tự mình tậu được một trong số ba trang trại (đó cũng là cái màu mỡ nhất và rộng lớn nhất) trong giáo xứ Oare (hay nói đúng hơn, từ khi vào tay cha tôi, nó mới thành trang trại). Ông – John Ridd Cha, người trông giữ nhà thờ và đốc công, là người ham học hỏi và có thể dễ dàng viết ra tên mình – đã gửi mụn con trai độc nhất là tôi đến học tại Tiverton, thuộc hạt Devon. Là niềm tự hào bậc nhất của thành phố cổ ấy, ngôi trường nơi tôi theo học là một trường tư dạy tiếng Latin tiêu biểu, lớn nhất miền Tây nước Anh, được ngài Peter Blundell – một nhà buôn vải vóc, cũng là người trong vùng – sáng lập và đầu tư tài chính hậu hĩ vào năm 1604.
Lúc ấy, ở tuổi mười hai, tôi bước vào trung học*, có thể mon men tìm hiểu về Eutropius* và Caesar* – đương nhiên là với sự hỗ trợ đắc lực của phiên bản tiếng Anh – cùng đâu chừng sáu dòng thơ Ovid*. Thậm chí vài người còn bảo rằng nếu kiên gan bền chí, trước khi đến tuổi trưởng thành, tôi có thể học lên đến lớp chín; dẫu rằng, trong mắt mọi người (ngoại trừ mẹ), tôi là một đứa tối dạ. Những điều đó chắc hẳn là, như giờ đây tôi nhận ra, một hoài bão nằm ngoài tầm với của con trai một tá điền; vì trường chỉ dạy đến lớp tám – và toàn bọn làm ra vẻ ta đây quen thói hoạnh họe người khác, nhân danh “quản lớp”. Sau đó, ơn Chúa lòng lành, tôi phải bỏ dở việc học khi mới bắt đầu làm quen với động từ Hy Lạp φιλέω năm lớp Bảy.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.