Skip to content Skip to footer
-99%

Tục Thế Kỳ Nhân

Giá gốc là: ¥1,800.Giá hiện tại là: ¥200.

Gần đây chợt nảy sinh một ý nghĩ, sao không ghi chép lại, để cho hậu thế trong khi thưởng ngoạn được biết khuôn mặt của con người đất này khi xưa? Vì vậy mà nghĩ đến đâu ghi đến đó, nay mới bắt đầu viết, mỗi người một chuyện, riêng biệt không liên quan đến nhau, đặt tên chung cho cả tập là Tục Thế Kỳ Nhân.

Tuc The Ky Nhan – demo

Mô tả

Vệ Thiên Tân vốn là một bến cảng, cư dân khắp bốn phương đến tụ cư, tính cách hoàn toàn khác nhau. Nhưng nơi đất cũ Yên, Triệu, huyết khí cương liệt, nước mặn đất phèn, thói tục mạnh tợn. Hơn trăm năm nay, phàm những đại tai đại nạn của Trung Hoa, chẳng khi nào không khởi phát từ nơi này trước nhất, vì vậy mà sinh ra vô vàn nhân vật quái lạ, chẳng những ở thượng tầng lớp trên, mà ngay cả ở nơi dân gian thôn quê phố thị.

Tôi nghe được rất nhiều, bấy lâu vẫn ghi nhớ trong lòng, về sau tuy nhiều chuyện đã dùng viết trong các cuốn Roi thần, Gót sen ba tấc, nhưng vẫn còn một số câu chuyện, nhân vật, còn đang bỏ ngỏ một bên, chưa được dùng tới. Những kỳ nhân diệu sự ấy, nghe mà tưởng chưa nghe, nếu như vứt bỏ há chẳng đáng tiếc lắm sao? Gần đây chợt nảy sinh một ý nghĩ, sao không ghi chép lại, để cho hậu thế trong khi thưởng ngoạn được biết khuôn mặt của con người đất này khi xưa? Vì vậy mà nghĩ đến đâu ghi đến đó, nay mới bắt đầu viết, mỗi người một chuyện, riêng biệt không liên quan đến nhau, đặt tên chung cho cả tập là Tục Thế Kỳ Nhân.

Thông tin tác giả Phùng Kí Tài

Ông sinh năm 1942 ở thành phố Thiên Tân. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông tham gia đội bóng rồi chuyển sang làm giáo viên dạy mĩ thuật. Trong thời gian cách mạng văn hóa, những lần bị đưa ra đấu tố và lao động cực nhọc ở nông thôn đã làm giàu cuộc đời sáng tác của ông. Năm 1978 ông bắt đầu sáng tác và liên tiếp có truyện in từ bấy đến nay. Về truyện dài có Nghĩa hòa quyền (viết chung với Lý Định Hưng), Đèn thần; về truyện vừa có Ngả đường nở đầy hoa, A! (giải truyện vừa ưu tú toàn quốc năm 1977-1980), Trên cả tình yêu, Dấn mình trong mưa gió, Roi thần (giải truyện vừa ưu tú toàn quốc 1983-1984), Cảm tạ cuộc đời (giải ưu tú của tạp chí Tuyển chọn truyện vừa), Gót sen ba tấc v.v..; về truyện ngắn có Chiếc tẩu thuốc khắc họa (giải Truyện ngắn ưu tú toàn quốc 1978-1984), Người đàn bà cao lớn và anh chồng lùn, v.v…

Một loạt tác phẩm trên đây cho thấy Phùng Ký Tài không chỉ sở trường về đề tài hiện thực đương đại mà cả về đề tài phong tục, lịch sử. Ở đề tài thứ hai, văn phong của ông thiên về dí dỏm, hài hước, tươi vui; còn ở đề tài thứ nhất, ông viết nghiêm túc, sâu sắc, chân thực, cảm động, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc. Bới vậy một số truyện tuy không được giải thưởng song vẫn được giới lí luận chú ý nghiên cứu về nghệ thuật dẫn truyện và hình tượng nhân vật của ông. Năm 1987, Trung tâm truyện ký Mĩ tặng ông huy chương danh dự Danh nhân thế giới trong năm. Ông còn có tên trong cuốn Người trí thức nổi tiếng thế giới của Anh và Nhân vật kiệt xuất thế giới của Mĩ.

***

Tục thế kỳ nhân (Phùng Kí Tài) – Đọc chuyện xưa, ngẫm chuyện nay

 

Một cuốn sách hay, với mình là cuốn sách mà khi đọc mình vừa muốn đọc tiếp vừa lại không muốn. Muốn đọc tiếp là vì cuốn sách hay quá, không thể dừng được. Nhưng không muốn đọc tiếp cũng là vì cuốn sách hay quá, nếu đọc vội vàng nhanh chóng cho hết sách thì lại thấy tiếc, vì cái hay là thứ ta chỉ có thể thưởng thức trên hành trình đọc cuốn sách ấy, chứ chẳng phải khi gấp cuốn sách lại. Với mình thì Tục thế kỳ nhân của tác giả Phùng Kí Tài là một cuốn sách hay như thế.

Mình biết cuốn sách từ độ sách mới ra từ hồi tháng 7/2022, khi ấy xem qua cái bìa, đọc giới thiệu sách thì mình đã cho ngay vào giỏ hàng online, nhưng vẫn chần chừ chưa mua vì thấy chưa cần phải mua sớm hay đọc gấp. Mãi đến khi đọc được bài review của một bạn trên Facebook tấm tắc khen cuốn sách hết lời, mình hiểu là thời điểm đã đến. Đôi khi người mê sách chỉ cần một yếu tố kích hoạt như thế để rinh cuốn sách về nhà, bởi lẽ nếu bây giờ không mua sớm, một thời gian sau quên bẵng đi thì cuốn sách có khi đã không còn bán trên thị trường. Số phận của những cuốn sách không nổi tiếng thường là vậy.

Tục thế kỳ nhân là một tập truyện ngắn của tác giả Phùng Kí Tài, một nhà văn nổi tiếng trong thời kỳ văn học mới của Trung Quốc từ sau năm 1977 đến nay. Ông sinh ra ở thành phố Thiên Tân, từng trải qua giai đoạn “cách mạng văn hóa” và phải chịu đựng nhiều khổ cực như bao người trí thức khác như đi làm công nhân, người bán hàng, dạy học và nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống. Trong quá trình sinh sống ở Thiên Tân, ông từng nghe rất nhiều chuyện về những nhân vật quái kiệt ở mảnh đất cảng này nên đã bỏ công sưu tầm và ghi chép lại để hậu thế thưởng ngoạn.

Vệ Thiên Tân vốn là một bến cảng, cư dân khắp bốn phương đến làm ăn sinh sống, tính cách hoàn toàn khác nhau. Vốn là một mảnh đất của nước Yên, Triệu cương liệt thời xưa nên địa lý nơi này sinh ra không biết bao nhiêu nhân vật quái lạ khác thường, từ những người ở giới trí thức thuộc tầng lớp trên cho tới giới giang hồ thuộc tầng lớp lao động. Trong cuốn sách Tục thế kỳ nhân, tác giả Phùng Kí Tài đã tập hợp hơn 50 mẩu truyện của các kỳ nhân dị sĩ như thế, mỗi câu chuyện gắn liền với một nhân vật, một tên tuổi từng vang bóng một thời ở Thiên Tân với những bức tranh minh họa do chính tác giả vẽ.

Nói đến giới giang hồ hay sơn đông mãi võ của Trung Hoa, chúng ta có thể liên tưởng tới những bộ phim kiếm hiệp với các màn võ công cái thế hay tuyệt kỹ võ lâm của các môn phái, hay những màn biểu diễn công phu hết sức ngoạn mục để mãi nghệ như tay không chặt đá, mình trần nằm bàn chông, rồi nuốt gươm đao hay phóng dao lên người. Ở Tục thế kỳ nhân, những kỳ nhân dị sĩ này đến từ bách nghệ (trăm nghề) khác nhau trong xã hội Thiên Tân cách đây hơn trăm năm, từ thợ quét vôi, thầy nắn xương cốt, người bán chè, người bán bánh bao cho tới thợ nặn tượng, người làm pháo, họa sĩ, rồi cả phường trộm cắp,… Trong ngành nghề riêng của mỗi người, họ đã đạt tới trình độ thượng thừa của bậc thầy, tới mức khiến độc giả cảm thấy khó tin đây là chuyện có thật.

Ví dụ Lý Quét Vôi là một thợ cả trong xưởng xây dựng chuyên làm công việc quét vôi. Điều kỳ lạ là mỗi khi quét vôi, ông ta sẽ mặc một bộ quần áo đen, nhưng cho đến khi xong việc, trên người ông ta không hề có một chấm trắng nào của vết vôi dây vào. Lấy làm tự hào về tài nghệ của mình, ông ta còn tự đặt ra quy định: chỉ cần trên mình có một chấm vôi trắng thì sẽ quét vôi miễn phí cho chủ nhà không lấy tiền. Mỗi lần Lý Quét Vôi nhận làm cho ngôi nhà nào, chủ nhà chỉ cần ngồi chơi thôi là ngôi nhà đã đẹp như cung tiên. Công việc quét vôi của ông được nâng tầm lên như một nghệ thuật:

“Một gian buồng có một trần nhà và bốn vách tường xung quanh. Trước tiên là quét trần nhà, sau đó quét đến bốn vách. Quét trần nhà là khó hơn cả, chổi quét vôi sau khi nhúng vào thùng ướt sườn sượt nhưu thế mà đưa lên, sao có thể không để nhỏ một giọt nào được? Mà đã nhỏ thì nhất định trúng vào người. Nhưng Lý Quét Vôi đưa cái chổi lên chẳng khác gì một cái chổi chưa nhúng vào thùng vôi. Song, khi chổi quét qua trần nhà thì những đường vôi trắng lập tức hiện lên thật đậm dà, đều đặn, trắng đến sáng lóa, trắng đến trong vắt.”

Hay thầy lang Hoa là người chuyên chữa răng, một lần ông vướng vào một vụ án mà hung thủ là bệnh nhân từng tới khám răng của ông, nhưng khi thám tử đến thẩm vấn thì ông lại trả lời rằng mình chẳng nhớ được mặt của những người tới khám. Khi bị thám tử nghi ngờ ông có dây mơ rễ má với hung thủ, thầy lang Hoa tức khí nổi giận đùng đùng, vì cả đời ông làm nghề y trị bệnh cứu người chưa bao giờ làm việc trái với lương tâm. Qua mấy hôm sau, ông vội chạy tới phòng Tuần bổ bẩm báo đã phát hiện ra hung thủ khi ngồi ăn cơm trong quán, chỉ vì anh ta há miệng ra cười vô tình để lộ cái răng nanh hổ.

Chuyện này đồn đại ra, thì mọi người đều hiểu rõ về những việc khó đoán kia của thầy lang Hoa: Ông ta không nhớ được người, không phải là cái tật gì cả, mà chỉ bởi vì ông ta không nhớ người, chỉ nhớ răng. Kẻ chữa răng mà toàn bộ tâm tư của mình đều để cả vào răng, thì y thuật lại có thể không cao ư?

Không chỉ là những câu chuyện trà dư tửu hậu ghi chép từ dân gian, có những câu chuyện mà đọc xong mình bị chấn động bởi vấn đề mà câu chuyện gợi lên khiến người đọc phải suy ngẫm day dứt mãi không thôi. Ví như ở chuyện về Hắc Đầu, một con chó mực lang thang được già Thương nhận nuôi. Trong một vụ tai nạn xui rủi, già Thương mắng Hắc Đầu là đồ súc sinh và đuổi nó đi, cuối cùng con chó vì cảm thấy oan ức và… mất thể diện mà lựa chọn tự kết liễu đời mình ngay chính trong sân nhà để chứng minh cho già Thương thấy sự trong sạch của nó.

Hay câu chuyện về bà cụ Tề sống chung với ba người con, hai người con trai đã lập gia đình và cô con gái chưa xuất gia, nhưng cả nhà ba thế hệ cùng sống chung với nhau dưới một mái nhà rất đầm ấm vui vẻ. Người nhà họ Tề lâu nay luôn sống trong sự hòa nhã, chưa bao giờ có sự to tiếng cãi nhau, cũng chưa bao giờ có chuyện người nhà tức giận với nhau bao giờ. Cảnh đẹp ngày vui tưởng sẽ kéo dài cho tới phút cuối đời của bà cụ Tề, ai ngờ vì một cớ sự cô con dâu mất chiếc nhẫn vàng mà cả nhà đâm ra nghi kị, hằn học với nhau, khiến bà cụ Tề lần đầu tiên tức giận và sau đó buồn bã mà qua đời.

Qua mỗi nhân vật ngọa hổ tàng long, mỗi câu chuyện đầy cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố, bến cảng Thiên Tân hiện ra sống động như một thước phim cổ trang. Thông qua sự kỳ tài của những quái kiệt ở Thiên Tân, độc giả mới trầm trồ thán phục sự “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của họ, đúng như câu ông bà hay nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Tuy đọc những câu chuyện xưa nửa phần thực nửa phần hư, nhưng độc giả lại được dịp suy ngẫm về nhân sinh đại sự, về những câu chuyện về cách sống và lẽ sống của con người ta ở đời. Đi qua hết cuốn sách, gặp gỡ hơn 50 nhân vật ở Thiên Tân, Tục thế kỳ nhân để lại trong mình rất nhiều dư âm. Một cuốn sách mà mình sẽ còn đọc đi đọc lại sau này khi bản thân đã đủ độ chín hơn.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Tục Thế Kỳ Nhân”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thông tin bổ sung

Tác giả

Phùng Kí Tài

Dịch giả

Châu Hải Đường

Format

Ebook, Epub

Thể loại

Tập Truyện Ngắn

Số trang

390

NXB

Hội Nhà Văn

Năm xuất bản

2022