Mô tả
Ngoài những truyện thuộc series “Bác sĩ Pháp y Tần Minh”, tôi còn rất nhiều chủ đề mới muốn thử sức nhưng chưa bao giờ có dũng khí để hạ bút.
May mắn thay, với sự động viên và tình yêu của bạn đọc trong những năm qua, tôi dần có đủ tự tin để viết chúng ra.
Bộ tiểu thuyết Chim ruồi là câu chuyện đầu tiên tôi nghĩ tới.
Đây cũng là câu chuyện tôi muốn viết nhất, thậm chí còn mong được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình càng sớm càng tốt.
Bởi vì nguồn cảm hứng cho câu chuyện này là những ghi chép của cha tôi.
Gia đình tôi có truyền thống làm cảnh sát, cha tôi là một cảnh sát hình sự và cũng là một cảnh sát kỹ thuật, chuyên môn của ông là giám định dấu vết. Các độc giả đã đọc series “Bác sĩ Pháp y Tần у Minh” đều biết đây cũng là chuyên môn của Lâm Đào. Việc điều tra hiện trường của một vụ án giết người thường do hai chuyên ngành là pháp y và giám định dấu vết giữ vai trò chủ đạo. Tôi cũng từng nói đùa trong một cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông rằng chỉ cần hai người gồm cha tôi và tôi là có thể đi điều tra hiện trường án mạng.
Cha tôi làm cảnh sát hình sự mấy chục năm trời, ông có tình cảm vô cùng sâu sắc với nghề cảnh sát hình sự. Bằng tình yêu nồng nhiệt bồi đắp trong mấy chục năm này, sau khi nghỉ hưu, cha tôi đã tự nghiên cứu và phân loại hàng trăm hồ sơ vụ án, viết ra một tập hồi ký chín mươi nghìn chữ. Tất nhiên đây chỉ là “tài liệu nội bộ” cho chính ông và con cháu của ông xem mà thôi.
Trong cuốn hồi ký đó, cha tôi không mô tả quá chi tiết vụ án, nhưng ông ghi lại rất chi tiết dòng cảm xúc của mình trong mấy chục năm làm cảnh sát. Tôi tỉ mẩn đọc suốt mấy đêm và hoàn toàn đồng cảm với ông: Thấy ông vui sướng vì phá được vụ án tồn đọng lâu năm, tôi cũng vui thay cho ông; thấy ông lúc về hưu lưu luyến cởi bỏ bộ cảnh phục, tôi đây cũng nước mắt lưng tròng.
Sau khi đọc xong, tôi đã hào hứng đến nỗi mất ngủ mấy ngày liền.
Là một người con, tôi cảm thấy cuốn hồi ký này chứa đựng quá nhiều điều. Nó khiến tôi được làm quen với hình ảnh khác của cha mình, đồng thời nhìn lại nghề nghiệp chung của chúng tôi. Tôi tin rằng sức mạnh tinh thần của nó nhất định sẽ được truyền lại cho con cháu đời sau.
Nhưng nếu chỉ dành riêng cho cha tôi thì chẳng phải ý tưởng về cuốn sách này sẽ trở nên quá riêng tư hay sao?
Về sau có một bữa ăn đã thay đổi suy nghĩ của tôi.
Cách đây không lâu, cha tôi và các chiến hữu trong tổ giám định dấu vết có hẹn tụ họp với nhau, tôi được đi theo hầu chuyện. Trong những vị công an già này có vài người là lãnh đạo cũ của tôi khi tôi mới vào nghề, kể ra cũng là người quen. Trong ấn tượng của tôi, họ đều là những vị anh hùng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió. Thế nhưng giờ đây tấm thân của họ đã còng xuống, mái tóc đã điểm bạc, có người vừa qua cơn bạo bệnh, có người tim không được khỏe, có người răng đã rụng hết. Năm xưa uống rượu thỏa thuê, hôm nay chỉ có thể nhấp miệng, năm xưa hào khí ngút trời, giờ đây chỉ đành cẩn thận từng li từng tí. Mặc dù khi nhắc đến những vụ án ngày trước, họ vẫn nói chuyện rất hăng say, nhưng từ lâu đã chẳng còn khí thế của ngày ấy nữa rồi, quả thực cảm giác anh hùng lúc xế chiều này khiến người ta bất giác ngậm ngùi xót xa. Lúc đó tôi vẫn nghĩ mãi, không biết hồi còn trẻ trông họ như thế nào? Và điều gì đã thôi thúc họ “dâng hiến tuổi xuân cống hiến trọn đời, hiến hết đời mình hiến đời con cháu”?
Thông qua bữa ăn ấy, tôi đã học được rất nhiều câu chuyện từ những người đi trước và thấm thía tinh thần của họ.
Hóa ra rất nhiều thứ chúng ta coi là hiển nhiên lại là thứ mà họ khám phá và thử sức từng bước từng bước một trong những năm tháng trẻ trung sôi nổi. Những câu chuyện gần như bị lãng quên này là kho báu thực sự, đồng thời chúng còn ẩn chứa sức mạnh có thể truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa.
Vì vậy, tôi hạ quyết tâm, bắt đầu viết series Chim ruồi.
Bạn bè xung quanh nói rằng: “Cậu viết truyện từ mấy chục năm trước, liệu mọi người có thấy hứng thú hay không?” Tôi tin sau khi đọc các câu chuyện của series Chim ruồi, chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy nhàm chán, trái lại còn có thể có được một số trải nghiệm mới mẻ và thú vị từ một thời kỳ xa lạ, đồng thời bạn cũng có thể cảm nhận được sự cộng hưởng đến từ thời đại khác. Tôi năm nay đã bước vào tuổi bốn mươi, đã làm cảnh sát mười sáu năm rồi. Là một cảnh sát lâu năm, tôi hy vọng mình có thể học hỏi được niềm đam mê mà cảnh sát trẻ hay có lẽ là người trẻ tuổi cần có từ những câu chuyện của lớp người đi trước.
Tôi tin rằng khi bạn theo dõi sự trưởng thành của nhân vật chính trong câu chuyện, bạn cũng sẽ cảm nhận được sự trưởng thành ấy.
Tôi đã từng viết một bài đăng trên mạng có tiêu đề Ngọn hải đăng, trong đó tôi viết…
Cha tôi nói nếu trong lòng bạn tràn đầy ánh sáng, bạn sẽ không sợ bóng tối, bởi vì bạn có thể thắp sáng nó. Hình bóng của cha tôi tựa như ngọn hải đăng, chỉ lối cho tôi tiến bước trên con đường chính nghĩa.
Và đây cũng là điều mà tôi mong bộ truyện Chim ruồi sẽ mang đến cho mọi người, để các bạn trẻ sẽ không ngừng nỗ lực và dũng cảm bước tiếp trên con đường bảo vệ ánh sáng.
Cuối cùng, tôi xin gửi tặng bộ truyện Chim ruồi đến tất cả anh em cảnh sát và những ai yêu mến nghề cảnh sát. Bởi cảnh sát là nghề hy sinh nhiều nhất, cống hiến nhiều nhất trong thời bình, hằng ngày họ không chỉ phải gánh vác công việc hết sức nặng nề, mà còn phải chịu nhiều ngờ vực và uất ức. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người thực sự hiểu được nghề cảnh sát, có thể hiểu cho cảnh sát, ủng hộ cảnh sát, để cảnh sát không phải vừa đổ máu vừa rơi lệ.
Như tôi đã nói lúc đầu, mặc dù tôi chưa bắt đầu viết series này, nhưng tôi hoàn toàn tự tin rằng mình có thể truyền tải được nó, bởi vì tôi có đầy đủ chất liệu để xây dựng câu chuyện, có định hướng tinh thần rõ ràng và có khát khao muốn được sáng tác một cách cháy bỏng, ngoài ra còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ trong công tác kế hoạch của Công ty Văn hoá truyền thông Nguyên Khí Xã, quan trọng hơn nữa là có sự ủng hộ và cổ vũ của muôn vàn độc giả.
Cảm ơn các bạn, bây giờ câu chuyện mới sẽ được bắt đầu.
Ngày 23 tháng 5 năm 2021
***
Series trinh thám hoàn toàn mới của Pháp y Tần Minh: “Chim ruồi rực cháy” viết về thời kỳ xưa cũ được cải biên dựa trên điều tra ghi chép suốt 36 năm làm cảnh sát của cha anh.
Cha Tần Minh từng là một cảnh sát hình sự, sau khi về hưu, ông sắp xếp các vụ án đã từng xử lý thành một quyển hồi ký. Trong hồi ký ghi chép lại một nhóm người bình thường, trong những năm tháng hăng hái tràn đầy nhiệt huyết, thử khám phá con đường khó đi nhất. Sau khi thức suốt đêm đọc xong câu chuyện của cha, trong đầu Tần Minh bắt đầu hiện ra bóng dáng chú chim ruồi.
Câu chuyện Chim ruồi, xảy ra vào năm 1976, một thời đại khiến chúng ta cảm thấy xa lạ. Khi đó, kỹ thuật phá án hiện đại vừa mới manh nha, chưa có kỹ thuật DNA, chưa có camera giám sát, càng không có máy tính nối mạng internet. Mỗi lần Cố Hồng Tinh cùng các đồng đội phá án đều phải đối mặt với những khó khăn chồng chất:
Làm thế nào để đòi lại công lý cho cô gái bị cưỡng hiếp trong đêm tối? Làm sao biết được danh tính thực sự của một xác chết đang thối rữa giữa chốn hoang vu?
Làm thế nào để có thể tìm ra kẻ sát nhân thực sự ẩn giấu trong hơn 3.000 nghi phạm?
Với vai trò là một thế hệ đầu tiên sử dụng kỹ thuật kiểm nghiệm dấu vết để phá án, Cố Hồng Tinh trong điều kiện cực kỳ đơn sơ, chưa bao giờ từ bỏ tìm kiếm chân tướng của từng vụ án. Cậu giống như chú chim ruồi tìm kiếm mồi lửa, vì ngậm lấy hy vọng của ánh sáng, tự thiêu đốt chính mình.
#Chim_ruồi_rực_cháy
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.