Mô tả
Trong cuốn sách này, tác giả Loomis đã tổng hợp và cập nhật những bài báo thú vị nhất về Buffett được Fortune đăng trong giai đoạn 1966 – 2012, gồm 13 bài báo trang bìa và hàng tá những bài báo do chính Buffett viết. Loomis đã đưa ra bình luận về mỗi bài báo dựa trên nội dung và quan điểm của chính bà, qua đó độc giả sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn về các chiến lược đầu tư, tư duy về quản lý, các hoạt động từ thiện, chính sách công và thậm chí là cả những nguyên tắc làm cha mẹ của ông.
“Loomis đã dệt nên một tuyệt tác bằng ngôn ngữ về một nhà đầu tư vĩ đại trong thời đại của chúng ta.” – Publisher Weekly
“Những nhà đầu tư nghiêm túc cũng như những ai hứng thú với lịch sử của Berkshire Hathaway và các ý tưởng làm từ thiện của Buffett sẽ tìm thấy những mẩu vàng nằm lẫn trong kho báu về Buffett của Fortune.” – Kirkus Reviews
HÃY SỢ HÃI KHI NGƯỜI KHÁC THAM LAM, HÃY THAM LAM KHI NGƯỜI KHÁC SỢ HÃI
Đối với dân tài chính và nhất là các tín đồ chứng khoán trong đó có tôi, không ai không biết đến Warren Buffett. Vào thuở bình minh của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi mà mọi thứ còn quá mới cho một trò chơi hấp dẫn chết người thì những cái tên được mệnh danh là Sói già Phố Wall với những huyền thoại để đời luôn là niềm khát khao và sự ngưỡng mộ. Đối với tôi, dẫu sau nhiều năm lăn lộn trong thị trường đầu tư chứng khoán cả trong và ngoài nước, có cơ hội tiếp xúc với nhiều tay chơi lớn, được nghe nhiều, đọc nhiều, học nhiều thì Warren Buffett vẫn là người tôi kính trọng nhất. Tôi kính trọng ông không chỉ vì những thành tích ông đạt được, mà còn là một nhân cách lớn với những câu nói để đời.
Là người sở hữu khối tài sản trị giá hơn 74 tỷ đô-la, nhưng Warren Buffett, vị Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway, luôn sống rất bình dị. Châm ngôn của ông là “If you buy things you don’t need, soon you will have to sell things you need.” – tạm dịch: “Nếu bạn mua những thứ không cần thiết thì sớm muộn bạn sẽ phải bán những thứ bạn cần”. Câu nói này đã trở thành nguyên tắc kinh doanh của ông trong suốt cuộc đời và cũng là kim chỉ nam cho các nhà kinh doanh và đầu tư ngưỡng mộ ông. Những tài sản luôn phải được xem là những khoản đầu tư và nếu chúng không mang lại giá trị thì chẳng sớm thì muộn cũng sẽ trở thành tiêu sản.
Khi cầm bản thảo của cuốn sách Warren Buffett – Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới dưới góc nhìn truyền thông do Alpha Books mua bản quyền xuất bản, được dịch giả Kim Phúc chuyển ngữ từ cuốn Tap dancing to work: Warren Buffett on Practically Everything, 1966-2013 của nữ phóng viên Carol J. Loomis, tôi đã không cầm được sự xúc động vì hiện giờ độc giả Việt Nam có thể biết đến tác phẩm lớn thuộc hàng New York Time best-seller này. Đây cũng là cuốn sách được tỷ phú Bill Gates đề xuất là “một trong năm cuốn sách mà mọi doanh nhân nên đọc”.
Nếu đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy tác phẩm này có rất nhiều điểm khác lạ so với những cuốn sách viết về các huyền thoại khác. Trong sách, Carol L. Loomis đã mang đến cho chúng ta một bức tranh đa màu về Warren Buffett bằng cách thu thập, cập nhật, đánh giá tất cả những bài báo hay nhất mà tạp chí Fortune đã viết về “nhà đầu tư huyền thoại” này trong giai đoạn từ 1966 đến 2013, trong đó không thể thiếu 13 bức thư do chính Buffett viết gửi cổ đông Bershire Hathaway với những triết lý và lời khuyên tuyệt vời về đầu tư. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách không sao chép toàn văn của các bài báo trên tờ Fortune mà đôi khi chỉ trích đoạn kèm theo đường dẫn đến nguyên tác đồng thời đưa ra phân tích của bà về chủ đề đó. Ngoài ra, các bài báo không được sắp đặt theo thứ tự thời gian mà được biên tập theo mối liên quan đến từng chủ đề đang đề cập ở mỗi chương.
Cuốn sách tập trung vào những khía cạnh đa chiều trong con người Buffett: Một nhà đầu tư, một cố vấn, một người bạn và cả một người cha. Những bí kíp chưa từng được hé lộ về đầu tư, những bí quyết để giữ gìn những tình bạn tuyệt đẹp và cả những bí mật về tài sản được để lại cho con cái sẽ được Carol J. Loomis, một người bạn, một biên tập viên thân thiết lâu năm của ông, bật mí. Nếu không phải là dân tài chính hoặc có kiến thức về tài chính, bạn cũng đừng lo, cuốn sách này không chứa đựng quá nhiều những thuật ngữ khó hiểu về tài chính, chứng khoán hay đầu tư và nếu có đi chăng nữa, thì chúng cũng được vị nữ tác giả giàu kinh nghiệm chuyển tải một cách vô cùng dễ hiểu và đơn giản. Cá nhân tôi, sau khi đọc bản thảo cuốn sách, những điều còn đọng lại trong tôi đúng như lời Bill Gates đã nhận xét, “Tôi nghĩ bất cứ ai đọc hết cuốn sách này đều sẽ có hai phản ứng: Một là, nắm được cách mà Warren đã áp dụng tầm nhìn và các nguyên tắc đầu tư nhất quán trong suốt sự nghiệp của mình. Hai là, hiểu được rằng những phán đoán của ông về kinh doanh và thị trường quá tuyệt vời”. Còn các bạn, hãy chia sẻ với chúng tôi cảm nhận của các bạn sau khi đọc cuốn sách này! Xin chúc bạn có một trải nghiệm tuyệt vời với tác phẩm này.
HỒ TRỌNG LAI
– Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn đầu tư Waterstone Capital Partners LLC
(http://waterstonecapital.com/team/lai-ho/)
– Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Happypay
– Chủ tịch Công ty Heaven Light LLC
***
Ngài Jones với tài năng ít người sánh kịp
Tháng 4 năm 1966
Carol Loomis
Có thể bạn sẽ thấy khá kỳ cục khi tôi mở đầu cuốn sách viết về Warren Buffett bằng một bài báo về một nhân vật khác – Alfred Winslow Jones. Nhưng bài miêu tả về Jones được viết năm 1966 này thật sự xứng đáng được nhắc đến đầu tiên. Trước hết, đây là lần đầu tạp chí Fortune đề cập tới tên tuổi của Buffett, mặc dù chúng tôi khi đó đã viết sai tên “Buffett” thành “Buffet”, chỉ với một chữ “t”. Đó là lỗi của tôi – Carol Loomis, biên tập viên và cũng là đồng tác giả của nhiều bài báo tập hợp trong cuốn sách này, bao gồm cả bài báo bạn đang đọc. Không lâu sau khi bài báo xuất bản, chồng tôi, John Loomis – lúc này là một chuyên viên kinh doanh chứng khoán – đã gặp Buffett, ông lập tức gọi cho tôi và “than phiền” một chút về lỗi chính tả này. Tiếp đó, Buffett và vợ, Susie mời vợ chồng tôi cùng dùng bữa trưa ở New York. Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ đó, bạn cũng có thể hiểu đây là nguyên nhân cho ra đời cuốn sách này.
Điểm thứ hai về bài báo chính là nó gây tiếng vang tới công chúng về A. W. Jones và khái niệm của ông về quỹ đầu tư “phòng hộ”. Jones không phải là nhà đầu tư đầu tiên ở Phố Wall thành lập quỹ dạng này mà là Benjamin Graham trước đó đã điều hành một quỹ hợp tác dựa trên chiến lược đầu tư phòng hộ. Nhưng thành công rực rỡ của Jones đã quen thuộc với hầu hết độc giả của tờ Fortune, và bài báo này, với sức sống riêng của nó, đã trở thành một kim chỉ nam đầy hứa hẹn cho những người muốn thành lập quỹ theo “kiểu của Jones”. Lịch sử của ngành công nghiệp quỹ đầu tư phòng hộ ghi nhận bài báo này là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của hình thức quỹ này. Những bạn đọc trung thành của bài báo có thể sẽ nhận ra sự ngập ngừng ẩn chứa trong dòng đầu tiên: “Có nhiều lý do để tin rằng…” khó có thể là một lời tuyên bố hùng hồn. Lý do là vì dù có trong tay báo cáo không thể tốt hơn từ quỹ đầu tư cá nhân A. W. Jones & Co., kiến thức của tôi về việc những quỹ đầu tư cá nhân khác đang hoạt động thế nào vẫn chưa đầy đủ.
Khi có hồ sơ của công ty hợp danh đầu tư Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Buffett ở Omaha, tôi đã rất muốn viết về cả hai người – Buffett và Jones, nhưng cũng biết rằng thật không dễ chút nào. Chúng tôi có hồ sơ tổng kết 10 năm hoạt động của quỹ A. W. Jones & Co., trong khi đó, với công ty hợp danh Buffett, họ chỉ có hồ sơ riêng lẻ từng năm, và chỉ có tổng cộng 9 hồ sơ. Tính trong giai đoạn năm năm cho đến kết thúc năm tài chính 1965 vào tháng 5, quỹ của Jones đã tăng trưởng đến 325%. Công ty Buffett tính đến tháng 12 của năm tài chính 1965 đã “đóng sổ” với tổng cộng 334%. Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ, một thời gian sau, con đường đi của hai nhà đầu tư này đã rẽ theo hai hướng hoàn toàn khác. Bài báo tới sẽ nhắc đến việc Buffett sau đó đã đóng cửa công ty của mình, trong khi Jones vẫn bám trụ lại và đối mặt với việc thị trường chứng khoán phát triển mạnh – vào thời điểm đó – tạo ra nhiều khó khăn hơn cho hình thức quỹ phòng hộ. – CL
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.